Nhiều vị sư thầy đã truyền dạy thiền tuệ, tức Thiền minh sát, vào phương Tây vào những năm 1970, và nó được chứng minh là trở nên rất thông dụng trong những tập niên gần đây. Một phần nổi bật của thiền minh sát chính là sự thực hành “Chánh Niệm”, thuật ngữ nghe rất quen thuộc trong thời đại ngày nay. Vào những năm 1980, nhiều thiền sinh muốn đọc được sự hướng dẫn rõ ràng để thực hành, nhưng hầu hết các sách đều viết theo lối hàn lâm nghiêm cách, và cũng rất khó tiếp cận đối với những Phật tử tại gia. Và do vậy, tôi đã viết quyển “Chánh Niệm qua ngôn ngữ thông thường” về những kỹ thuật “chánh niệm” và những nguyên tắc quan trọng của nó. Quyển sách đó, giống như quyển sách này, được viết cho tất cả mọi người khác nhau bằng một ngôn ngữ thông dụng và thẳng thắn.
Những danh từ như Chánh niệm (sati) và thậm chí Thiền minh sát (vipassana) đã dần dần trở nên thông dụng và sự thực hành nó cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người. Trong khi đó thì Thiền định (samatha) dường như ít được quan tâm chú ý hơn. Đúng hơn, nó được đa số coi như là loại thiền Olympics vốn chỉ dành cho những người siêu xuất, vượt trên phạm vi hiểu biết của “người thường” và những người đang bận rộn với cuộc sống đời thường.
Vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI này, sự quan tâm dường như đã quay lại phần nào với con đường Thiền định. Và đó là điều tốt, vì nó đích thực là con đường bổ trợ song song đối với Thiền minh sát, đối với Chánh niệm. Thiền định bổ sung song song cho thiền tuệ. Cả hai đan quyện vào nhau và hỗ trợ nhau. Trải qua hơn hai thiên niên kỷ, hai con đường thiền định và thiền tuệ đã được chính quy hóa và tinh lọc như là hai con đường song song vì một lý do rất tốt: chúng cùng làm việc với nhau, và chúng làm tốt nhất khi cùng làm với nhau. Đích thực, hai cái chỉ là một. Sự thật là Đức Phật chưa bao giờ dạy về thiền định và thiền tuệ minh sát như là hai hệ thiền riêng biệt. Đức Phật trao chúng ta một con đường thiền, một hệ thống các công cụ để chúng ta tự mình giải thoát khỏi khổ đau. Quyển sách này được viết với ý định như là một quyển sách cẩm nang hướng dẫn rõ ràng cho các thiền sinh, giảng bày ra con đường thiền định theo từng bước, từng bước rõ ràng. Thêm nữa, quyển sách này cũng trông đợi rằng bạn đã đọc hết quyển “Chánh Niệm qua ngôn ngữ thông thường”, hay quyển nào tương tự vậy, và bạn đã bắt đầu thực tập thiền chánh niệm, và bây giờ bạn muốn bước thêm bước tiếp theo – tu tập các tầng thiền định jhana: vượt trên cả chánh niệm.
Một lưu ý về cấu trúc quyển sách này: trong suốt quyển sách (đặc biệt là những chỗ nói về các tầng thiền định, jhana), tôi đã trích dẫn một số câu trong Kinh Tạng Pali, đó là tàng kinh tốt nhất lưu lại những điều chính Đức Phật đã dạy. Bởi vì quyển sách này không phải là một tác phẩm mang tính hàn lâm hay luận án, nên chúng tôi không trích dẫn nguồn những câu kinh. (Để tránh làm độc giả xao lãng!). Tuy nhiên, để nói luôn một lần, những câu kinh Phật tôi trích dẫn vào sách này là từ những nguồn của những dịch giả hàng đầu như: Thiền sư học giả Bhikkhu Bodhi, đại trưởng lão Nyanaponika, thiền sư Bhikkhu Nanamoli, ngài John D. Irland, và ngài Gil Fronsdal. Có một số câu kinh là do tôi dịch, và một số khác được trích dẫn là từ trong quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimaga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) được dịch bởi thiền sư Bhikkhu Nanamoli.
Và lưu ý cuối cùng: một trong những phần không thể thiếu được của bất kỳ nghiên cứu nào là nghĩa của các thuật ngữ căn bản. Có một “Thư Mục Các Thuật Ngữ” được in ở cuối sách. Xin sử dụng phần thư mục này trong quá trình bạn đọc quyển sách này. Thật vậy, bạn có thể ôn nhớ lại rất nhanh những vấn đề trong quyển sách này nếu bạn đọc lại phần thư mục này.