Tây Tạng nằm trên sườn núi phía Đông, dãy Hy Mã Lạp Sơn lọt thảm giữa tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Hoa và sâu trong lục địa Châu Á, trước kia hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Và Tây Tạng được coi như một xứ sở huyền bí với những tu viện ẩn mình trên các vách núi và những vị đạo sư, cũng lặng lẽ tu trì ẩn dật trong các tu viện như những ẩn sĩ. Mặc dù hơn nửa thế kỷ qua, Tây Tạng đã được thế giới biết đến nhiều, từ ngày trở thành một phần của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhưng những điều huyền bí, những cách tu trì của các đạo sư, ẩn sĩ Tây Tạng vẫn thu hút sự tò mò và quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu cũng như các tín đồ đạo Phật. Nhiều người mong muốn có dịp ít nhất một lần trong đời hành hương đến xứ Phật (Népal) và được ghé thăm Tây Tạng - chỉ cách có một rặng núi cao để tìm hiểu về các đạo sư và các tu viện nổi tiếng của Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng được truyền thẳng từ xứ Phật qua dãy Hy Mã Lạp Sơn (chứ không theo đường vòng qua phương Bắc mới về Trung Nguyên như Phật Giáo Trung Hoa). Phật Giáo Tây Tạng được xếp vào tông phái đặc biệt là Mật Tông với những phương pháp tu trì khá đặc biệt và khác nhiều so với các tông phái khác của Phật Giáo, kể cả Tiểu Thừa lẫn Đại thừa, vì vậy sự huyền bí càng tăng thêm. Cuộc đời và cách tu trì của các đạo sư Tây Tạng càng được nhiều người quan tâm hơn.
Cuốn sách do hai dịch giả Liên Hoa và Thanh Liên sưu tập tuyển chọn và biên dịch nhằm giới thiệu với quý độc giả tóm lược cuộc đời và những phẩm hạnh, công đức của 15 vị đạo sư Tây Tạng tiêu biểu. Từ Đức Liên Hoa Sanh - vị Đạo sư vĩ đại được mới từ Ấn Độ qua Tây Tạng để trụ trì tại quần thể đền chùa Samye kỳ lạ, được vua Trisong Deutsen (790 - 844) xây dựng từ năm 814 ở miền Trung Tây Tạng, gần thủ đô Lhasa.
Đó là Đức Padmasambhara, Vimalamitra, Buddhaguhya đã tập hợp được 25 vị đệ tử Tây Tạng đầu tiên để xiển dương Phật pháp tại đây… Sách còn giới thiệu cuộc đời của đạo sư vĩ đại Rigdzin Jigme Lingpa, Thiền giả ẩn dật Choden Rinpoche… và các nữ đạo sư Sakya Dagmo Kusho, Khandro Rinpoche.