Tín ngưỡng Quan Âm bắt nguồn từ Ấn Độ. Thoạt tiên, tín ngưỡng này được ẩn tàng trong những tư tưởng về Tâm Từ Bi cứu khổ của các bậc Thánh và các bậc Đạo sư trong công việc hóa độ chúng sinh. Dần dần do sự phát triển rộng lớn của tư tưởng Đại Thừa Giáo nên tín Ngưỡng Quan Âm được hình thành qua các bộ kinh: A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni, Đại Vô Lượng Thọ, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa... từ đó về sau, Tín Ngưỡng Quan Âm được lưu truyền rộng rãi qua Tây Vực, Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và các nước Viễn Đông.
Từ thế kỷ I cho đến thế kỷ IV, Bồ Tát Quan Âm được thờ phụng qua hình vóc Nam Tử dưới Tôn Tượng một vị vương giả đang đứng, mình mặc áo vương giả. Hoặc cũngcó nhiều Tôn Tượng ngồi theo thế Du Hý. Biểu tượng của Ngài là Tràng Hạt biểu thị cho ý nghĩa cắt đứt 108 phiền não cho tất cả chúng sinh và hoa sen biểu thị cho phước trí thanh tịnh vốn có trong Bản tâm của muôn loài. Câu Chú xưng tán Ngài là Om Mani Padme Hùm biểu thị cho phương tiện Đại bi gia trì cứu độ cho chúng sinh tránh khỏi mọi khổ nạn và mau chóng giác ngộ viên mãn Tâm Bồ Đề.
Trong giai đoạn này, do sự pha trộn giữa tính cách của chư thần trong thần thoại Ấn Độ với quan điểm mở rộng đặc tính từ bi của Phật giáo Đại Thừa nên đã hình thành các tín ngưỡng về: Thiên Thủ Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Bất Không Quyến Sách Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm... với tất cả Tôn Tượng theo hình vóc Nam Tử.
Khoảng thế kỷ II, ý tưởng Phật Mẫu đã xuất hiện trong một số kinh điển của Đại Thừa như trí tuệ bát nhã là Mẫu của chư Phật Bồ Tát, Tâm Đại Bi Thanh Tịnh là Mẫu của chư Phật Bồ Tát, Tâm Bồ Đề kiên cố thanh tịnh là Mẫu của chư Phật Bồ Tát... ý tưởng này đã âm thầm kết hợp với tư tưởng mẫu hệ của nhân dân Ấn Độ nên khoảng thế kỷ VII, khi bộ Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Phật Thần Biến Gia Trì bao gồm 7 quyển, 36 phẩm xuất hiện thì hình tượng Thánh Mẫu đã được ghi nhận như Bạch Y Mẫu, Đa La Thánh Mẫu, Phật Mẫu Phật Nhãn, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Da Thâu Đà La Minh Phi... với hình ảnh người phụ nữ biểu thị cho Tam Muội Chính Định và có công năng là sinh ra mọi công đức vốn có xưa nay trong bản tâm của tất cả chúng sinh đồng thời nuôi lớn các công đức này.
Cũng trong thế kỷ VII, tín ngưỡng Quan Âm được phổ biến rộng rãi trong tín ngưỡng Mật giáo và Tín ngưỡng A Di Đà ở Ấn Độ. Từ đấy trở đi, hầu hết các Tượng Quan Âm đều có hình phật A Di Đà ngự trên mão báu hoặc đỉnh kế như Tượng Thập Nhất Diện Quán Âm ở Kanheri có khuôn mặt thứ 11 là Đức A Di Đà. Tại Nalanda, nhiều tượng Quán Âm có hình Đức A Di Đà bắt ấn chuyển pháp luân hay kết xúc địa Ấn... ngự trên mão báu của tượng. Ngày nay tại chùa Machhandar của nước Népal còn thờ phụng 108 hình tượng Quán Âm. Tại Kashmir còn lưu giữ một số tượng Quán Âm bằng đồng.