Suy nghĩ thoáng và nhìn rõ mọi việc, ấy là ta đã có được "một đời sống rộng mở"!
Đời người sở dĩ ưu phiền trĩu nặng, cũng chỉ vì chúng ta suy nghĩ không thông thoáng, nhìn không rõ mọi việc. Giống như một căn nhà mà không có cửa ra vào, chúng ta cứ nhốt mình trong đó, thì làm sao mà vui cho được? Sống trong một tòa thành cổ mà mãi không ra khỏi thành, thì chắc hẳn các vị sẽ cảm thấy thế giới của mình vô cùng nhỏ hẹp. Chúng ta háo danh, nên bị danh trói buộc; chúng ta hám lợi, nên bị lợi bủa vây. Con người một khi đã rơi vào bể tình, thì sẽ yêu một cách mù quáng; yêu đến mức đánh mất tự do, yêu không lối thoát, tình yêu biến thành sự trói buộc, cũng chỉ vì chúng ta không có một tấm lòng phóng khoáng, độ lượng. Nếu cuộc sống không rộng mở, thì cuộc sống ấy sẽ bị gò bó, rập khuôn, cũng giống như người xưa đã nói "ếch ngồi đáy giếng", thì làm sao có thể nhìn thấy được bầu trời rộng mênh mông bên ngoài?
Chúng ta đều là người phàm tục, nên đôi khi chỉ cần một người, một việc hay một câu nói cũng đủ để chi phối chúng ta. Trong cõi vô minh này, ta dễ bị cuốn vào vòng thị phi, nêu không có tấm lòng rộng mở, không có quan niệm phóng khoáng, mà muốn sống vui vẻ quả thật là khó!
Có người vì xem nặng tiền bạc, cam chịu làm nô lệ cho đồng tiền; vì coi trọng vật chất, tự biến mình thành "đầy tớ" cho vật chất. Lại có người lo giữ nhà cửa mà không dám đi chơi xa; nuôi thú cưng nên không cho chó, mèo của người khác vào bên trong. Vì muốn báo ân cha mẹ, có người sớm hôm chăm sóc, giữ gìn mộ phần cho cha mẹ, không biết đã hoang phí bao nhiêu tuổi thanh xuân? Thế nhưng lại có kẻ tham quan tiếc vị không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Giả sử ta có được một đời sống rộng mở, "tâm kia trống trải như hư không, mạch tư duy nhiều như cát sông Hằng", vậy thì làm sao mà lại bị những phiền não kia vây bám?
Trước đây có một vị Thiền sư tên Kim Bích Phong. Sau khi chứng ngộ, Ngài buông hết mọi tham ái ở thế gian, chỉ yêu thích một cái bát bằng ngọc chẳng rời tay. Do lòng còn tham ái, nên suýt bị quỷ sai bắt hồn, may mà Ngài giác ngộ kịp thời liền đập vỡ bát ngọc, diệt trừ tâm niệm tham lam. Ngài nói vói quỷ sai rằng: "Nếu người muôn bắt Kim Bích Phong, trừ khi mang xích khoá hư không. Nếu hay khoá được hư không ây, trở lại bắt ta Kim Bích Phong". Ngài không chỉ dẹp bỏ được tham niệm, mà còn có được một đời sống rộng mở, phóng khoáng.
Cũng giống như Đức Phật Di Lặc từng nói "đi cũng túi vải, ngồi cũng túi vải; bỏ được túi vải, thật là tự tại!". Ngài không bị túi vải làm vướng bận, và Thiền sư Kim Bích Phong cũng thế, ngay cả Triệu Châu cũng không bị trà Triệu Châu không chế, Vân Môn cũng không để bánh Vân Môn chi phối. Buông xả hết tất cả, mới mong có được một cuộc sống tiêu dao tự tại!
Thậm chí đến những tấm gương như Trang Tử, vợ chết mà vẫn có thể gõ bồn hát ca, cả nhà Đại sĩ Thiện Huệ đến lúc vãng sanh vẫn tọa thiền, hay chàng Vương đập sắt, chết đứng bên lò rèn, Thiền sư Đan Hà giác ngộ câu nói "thi làm quan, chi bằng thi làm Phật". Các vị này đều đạt đến cảnh giới có thể "sở hữu", cũng có thể "buông xả". Có người sống trong cảnh giàu sang phú quý, lại có người rơi vào cuộc sống nghèo khó túng quẫn, nhưng ở họ có một điểm chung là khát vọng tự do và không bị bất cứ điều gì ràng buộc. Và đó chính là một đời sống rộng mở. Nếu ai cũng có được một trái tím quảng đại, rộng mở, thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao.