Ngày nay, trên khắp các châu lục, người ta đều biết đếp Phật giáo là tôn giáo được phát nguyên từ Ấn Độ. Duy có điều để hiểu về quá trình hình thành, truyền bá và phát triển của Phật giáo là như thế nào, thì phải cậy đến sử học.
Được biết người Ấn Độ thời ấy - thời Đức Phật tại thế - họ không quan tâm đến việc ghi chép các biến cố xảy ra của đất nước họ; đúng hơn, họ không có khái niệm về việc ghi chép lịch sử biên niên. Theo họ, những biến cố của biên niên sử chỉ là chuyện nhất thời và mau chóng qua đi, và nó chẳng giúp được gì trong việc thiền quán tư duy và khổ tu để sớm giải thoát kiếp người vô thường giả tạm này, mục đích nhắm tới và cũng là mối bận tâm của họ là tìm về cội nguồn an tịnh của thế giới tâm linh, đó là thể nhập về với đại thể của Phạm thiên nơi cõi vĩnh hằng. Do đó, mà trong cả ngàn năm, lịch sử của đất nước Ấn Độ "cơ hồ như tờ giấy trắng". Phật giáo Ấn Độ cũng ở trong xu hướng đó.
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm có một cuốn "Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ". Nay, chúng tôi dịch bộ sử này của pháp sư Thánh Nghiêm là nhằm cung cấp thêm nguồn sử liệu cho việc học tập và nghiên cứu của các vị Tăng, Ni sinh, và các độc giả.