Bắt tay vào việc biên dịch, chúng tôi không tìm được bản gốc sách này mà chỉ có:
- Bản photo không có trang ghi nhà xuất bản và năm in. Bản này chia làm hai phần: Thượng sách (gồm có 40 bài nói về Phật học sử Ấn Độ) và Hạ sách (cũng có 40 bài nói về Phật học sử Trung Quốc0.
- Bản in lại của Viên Chiếu Tùng Thư, Phật lịch 2544 (2000), bản này chỉ có thượng sách.
Mỗi bài học gồm có: bài chữ Hán, phiên âm quốc ngữ, dịch nghĩa, nghĩa từ và ngữ pháp.
- Về dịch nghĩa: Chúng tôi dịch sát nguyên tác đề người học tiện đối chiếu câu văn tiếng Việt với câu văn chữ Hán. Ngoài nguyên chú của tác giả, chúng tôi còn soạn thêm một số chú thích, nếu xét thấy cần thiết, để giúp người học hiểu rõ nội dung của bài.
- Về nghĩa từ: Chữ Hán có rất nhiều nghĩa. Chúng tôi chỉ cho nghĩa dùng trong bài và một vài nghĩa thông dụng khác. Nghĩa từ được giải thích bằng chữ Hán đề người học làm quen với các tự điển và từ điển Trung Quốc, và cũng được phiêm âm, dịch ra tiếng Việt.
- Về ngữ pháp: Mỗi bài Hán văn trong sách này có nhiều vấn đề ngữ pháp cần giảng giải, phân tích nhưng không thể đề cập cùng một lúc, bởi lẽ như thế sẽ làm cho phần ngữ pháp trở nên rườm rà và quá dài. Ở mỗi bài, chúng tôi chỉ chọn vài ba vấn đề để giải thích, những vấn đề còn lại sẽ lần lượt được đề cập ở các bài sau.
Chúng tôi biết nhiều người học chữ Hán đã lâu, nhưng bị mất căn bản về ngữ pháp, vì vậy chúng tôi đề cập những điều rất sơ đẳng. Mặt khác, sách này cũng nhắm vào những người tự học, nên chúng tôi cố gắng giải thích càng rõ ràng dễ hiểu càng tốt. Những vấn đề ngữ pháp được phân bố đều cho các bài học sao cho có tính hệ thống và hoàn chỉnh.