Robert Thurman là một trong những người bạn phương Tây lâu năm nhất của tôi. Nhiều năm trước, khi còn ở Dharamsala, ông và tôi đã trăn trở và cùng bàn với nhau về ý định viết cuốn sách "Tâm giác ngộ" này.
Đối với Phật tử người Tạng, những ý tưởng này không mang tính chuyển biến; thực ra, khi bạn chuyển đổi tâm của mình thì cả xã hội cũng chuyển đổi theo. Là Phật tử, chúng tôi tin rằng đức Phật từ bi cứu độ mọi chúng sinh hữu tình và Ngài có đủ trí tuệ để hiểu được nó vận hành thế nào.
Thurman đã giải thích vì sao nhiều nhà tư tưởng phương Tây cho rằng Phật giáo không muốn thay đổi xã hội, vì chính đức Phật đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia và lập tăng đoàn. Cuốn sách này của Thurman hiệu chỉnh kịp thời cho những quan niệm lâu nay coi Phật giáo là tôn giáo tị thế.
Thurman đem lại cái nhìn mới đối với xã hội người Tạng và văn hóa Phật giáo độc đáo của nó. Ông đã cho thấy sự khác biệt cốt lõi giữa xã hội phong kiến mang tính quân sự cao của các nước trên thế giới và lối sống truyền thống bình lặng, giản dị và vui vẻ của người Tạng - dù không thịnh vượng về vật chất. Thurman thách thức quan niệm hiện đại cho rằng phát triển vật chất là lợi ích hàng đầu.
Có thể việc đọc lịch sử về một số lãnh tụ các xã hội Phật giáo, như vua Ashoka và Udayi của Ấn Độ, hay người tiền nhiệm của tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, sẽ khích lệ người ta tin rằng làm chính trị cũng có thể là một cách thực hành giáo pháp Phật, và hành động xã hội nhân đạo và tài giỏi có thể trở thành con đường đến giác ngộ. Điều quan trọng là chúng ta đừng nản lòng mà hãy gánh vác trách nhiệm trước thế giới này và những thế hệ tương lai với quyết tâm và tầm nhìn bao quát. Cuốn sách của Thurman trình bày khía cạnh này của tư tưởng Phật giáo về việc phục vụ chúng sinh. Tôi trân trọng sự nghiên cứu kỹ lưỡng và những giải thích rõ ràng của ông.
Bạn hãy cùng đọc và suy ngẫm.