Tâm Từ Tâm là tác phẩm thứ hai của TS Nguyễn Mạnh Hùng sau cuốn “Bài học từ người quét rác”. Có lẽ tác giả muốn người đọc tự tìm hiểu ý nghĩa của đề sách này và cũng có thể tác giả đã lợi dụng âm và nghĩa của tâm, từ và tâm. Phải chăng đây là cái tâm được gọi là tâm từ bi, là sự phân biệt giữa cái tâm bình thường và tâm từ bi, là sự trao truyền và thọ nhận giữa tâm của người này và tâm của người khác, tức là từ tâm này truyền sang tâm kia, là thái độ chân thành của tác giả muốn chia sẻ, muốn điều tốt lành cho người khác? Dù thế nào, ý nghĩa nổi bật ở đây là TÂM, từ cái tâm tầm thường, bình thường đến cái tâm được tu sửa, tinh tấn, đến cái tâm tĩnh tịch, viên mãn của chư Phật và Bồ-tát. Cái tâm tối thượng này rộng lớn vô cùng, gồm bốn chi phần, được gọi là Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả. Đây là phương tiện cứu khổ cho chúng sinh của chư Phật, Bồ-tát, nhưng cũng là nội dung thực hành của một người hiền thiện, một hành giả trong đời thường, trong tu tập, nhất là trong thiền định. Từ là vui khi thấy chúng sinh vui, nỗ lực làm cho chúng sinh vui. Bi là thương xót khi thấy chúng sinh khổ và nỗ lực làm cho chúng sinh bớt khổ. Hỷ là sự hoan hỷ với mình, với mọi chúng sinh, tạo nên sự anh bình, thoải mái. Xả là xả bỏ mọi phiền não chướng ngại, xem mình và mọi chúng sinh đều bình đẳng, không phân biệt.
Ý nghĩa của chủ đề Tâm và Tứ vô lượng tâm có thể được tìm thấy khá rõ trong nội dung cuốn sách nhỏ này qua các chuyện kể của tác giả.
Ta thấy ở đây là tính từ hòa, lòng thương yêu đối với mọi người trong gia đình, trong môi trường sinh hoạt, trong niềm tin Phật (Ngôi nhà tâm). Tình thương căn bản nhất, được Đức Phật khuyến khích là lòng hiếu, thương yêu, biết ơn, thờ phụng cha mẹ, phước đức nhất là đưa Phật pháp đến với cha mẹ (Cha mẹ tôi học Phật, Cha mẹ là Bồ-tát hiện thân, Mẹ tôi). Từ bi được mở rộng đến các chúng sinh (Ăn chay, Chúng tôi phóng sinh, Chỉ có tâm từ mà thôi). Ở đây là sự cảm thông, chia sẻ vui buồn với mọi người ( Những giọt nước mắt, Món quà nhỏ mang đến niềm vui lớn, Làm thiện có khó vậy không?). Ở đây là sự thương yêu, giúp đỡ, khiến mọi người được thăng tiến, được hiền thiện, đặc biệt là sự đối với giới trẻ (Bạn trẻ và việc tu tập, Chúng tôi phóng sinh, Một khóa tu thành công bất ngờ, Món quà nhỏ mang đến niềm vui lớn, Thầy cần Phật, còn em cần tiền, Hãy dựa vào chính mình). Ở đây là sự hỷ xả, bài học về hỷ xả, chan hòa, không phân biệt đối với mọi người (Đón năm mới 20/3 nơi “ta-bà cực lạc”, Những người thầy của tôi). Và nhiều nhiều nữa về tấm lòng cao cả.
Nhưng nổi bật hơn hết, đây là bút ký về những sinh hoạt đời thường của tác giả , “về những trải nghiệm, những nhận thức sâu sắc về vẻ đẹp của việc sống đúng Pháp, đúng với tinh thần của Đạo Phật”. Điều này tác giả đã thể hiện rõ trong suy nghĩ, trong đối đãi thường nhật và nhất là trong nỗ lực tinh tấn tu học của anh. Anh đã trải qua hàng chục khóa tu trong và ngoài nước, anh đọc kinh sách Phật giáo, ngồi thiền, lạy Phật, hành thiện, tham gia các lễ lạc Phật giáo…(Hành hương tâm linh, Doanh nhân xuất gia, 72 giờ niệm Phật của doanh nhân, Lễ Phật khỏi bệnh, Ngôi chùa nhỏ, một tấm lòng lớn, Trở về, Chùa Đình Quán ngôi nhà thứ hai của tôi)…
Ts Nguyễn Mạnh Hùng và tôi quen biết nhau chỉ từ năm bảy năm nay, nhưng tôi thấy anh như là người thân cố cựu, do duyên nghiệp nào chăng? Có lẽ cũng một phần do lòng mến phục của tôi đối với anh, do lòng chân thật, tính giản dị và hoạt bát của anh, do cảm phục những gì anh đã làm, do sự tận tụy trong tu học Phật và truyền bá Phật pháp của anh cho giới trẻ bằng các buổi giảng, bằng các tác phẩm mà Công ty Sách Thái Hà phát hành , từ đó Tạp chí Văn Hóa Phật giáo có cơ duyên hợp tác.
Tôi nhớ những lúc thật thoải mái, thân tình cùng anh tại các quán cà phê ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội, cũng như tại Tòa soạn Văn Hóa Phật Giáo, tại Công ty Sách Thái Hà ở Hà Nội và tại chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã cùng tâm sự, cùng bàn về Phật pháp, về các vấn đề Phật học, triết học, đạo đức v.v… Thân tình ngày càng sâu đậm. Anh đã sốt sắng viết bài giới thiệu cho sách của tôi, giới thiệu, quảng bá Văn Hóa Phật Giáo. Do vì nhận thấy Tâm Từ Tâm là tác phẩm rất trong sáng, giản dị, chân thành và có giá trị tư tưởng, đạo đức cao, và cũng do lòng kính phục, tình thân ái đối với tác giả, tôi mạo muội có vài dòng giới thiệu cùng chư độc giả tác phẩm này.
(Theo Trần Tuấn Mẫn - Phó Tổng Biên tập Thường trực kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo)
Về tác giả
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng học tập, công tác, tham quan, làm việc tại 39 quốc gia như Nga, Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Nhật, Trung Quốc, Ai Cập, Thụy Điển, Italy…, ông Hùng biết 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung; trong đó 3 ngoại ngữ đầu thành thạo cả nghe, nói, đọc, viết. Từng sống ở nước ngoài trên 16 năm. Ông giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp. Ông cũng là giảng viên, thành viên ban giám khảo và cố vấn cho nhiều chương trình Khởi nghiệp.
Ông đã xuất gia gieo duyên làm nhà sư trong vòng 7 ngày với thiền sư nổi tiếng Ashin Tejaniya - viện trưởng thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha (Miến Điện). Ông ham gia khóa thiền và raj yoga tại núi Abu Mount (Ấn Độ) với ngài Dadi Janky và khóa thiền vipassana 10 ngày.
Chính bản thân ông đã từng chân đất, cầm bát đi xin ăn. Cũng nhờ đi ăn xin mà ông đã biết được cảm giác bị đói khổ, biết quý trọng miếng cơm, manh áo mình đang mặc hàng ngày...
Bổ ích nhất của việc đi khất thực trong 1 tuần xuất gia đã mang lại cho ông rất nhiều bài học, dạy cho ông bao điều hay lẽ phải. Để ông biết sống giản dị hơn, tiết kiệm hơn nữa. “Tôi không còn biết chê đồ ăn. Vì đã đi khất thực, tức ai cho gì ăn nấy, không phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở. Tôi cũng càng trân trọng công lao của người lao động, những người làm ra hạt lúa, cọng rau, tấm lòng của những người con Phật".
Cũng nhờ đi khất thực tôi đã biết quý thời gian hơn nữa, biết làm thêm nhiều việc thiện hơn, biết tu tập mỗi ngày mỗi giờ để mình sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Tôi cũng mong sao mỗi chúng ta đều biết tu thân, tu tâm để xã hội ngày thêm đẹp.” – Trích bài trả lời phỏng vấn Báo chí của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Ông cũng đã từng giảng dạy ở các tổ chức như: Tổ chức InWent (Đức), Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội; Các công ty và Trung tâm đào tạo: Đào tạo và Tư vấn ngân hàng BTC, PTI, Vitoria, VCCI, Viện quản lý Châu Á, Công ty chứng khoán Thăng Long, Chứng khoán Đại Dương, Công ty Thành Nam, Công ty Hà An, Ngân hàng Quân đội MB, Ngân hàng nhà Habubank, VIP Bank, ngân hàng An Bình, Techcombank, Tổng công ty Phát hành sách TP HCM Fahasa,...Hiện ông Hùng là cố vấn và giảng viên cho PR TRAINING.
Trích đoạn
Thái tử Tất Đạt Đa đã tìm thấy lời giải đáp sau 49 ngày đêm ngồi thiền trên một nệm cỏ dưới gốc cây bồ đề. Ngài ngộ ra bốn sự thật kỳ diệu. Thứ nhất, con người cứ sinh ra, già rồi chết. Rồi lại được sinh ra để già và chết. Thật là khổ. Mãi sinh tử luân hồi. Ngài cũng đã tìm thấy nguyên nhân của khổ: ham muốn. Ham muốn như một ngọn lửa thiêu đốt kẻ khát dục. Ngài cũng tìm thấy sự thật thứ 3 là: lòng tham, sự nóng giận và vô minh cần phải bị dập tắt. Hoàn toàn có thể dập tắt được ngọn lửa tham và đi tới chỗ hết khổ đau. Cuối cùng Ngài chỉ ra con đường để diệt khổ đau – bát chánh đạo, tức 8 con đường chân chính.
Đức Phật là con người có thật. Ngài là một bậc thầy, là người chỉ đường. Đức Phật không phải là vị thần linh, càng không thể ban phát tài lộc hay giáng họa cho bất kỳ ai. Ngày vất vả tìm ra con đường giúp chúng ta có hạnh phúc. Tôi hiểu rằng chúng ta là học trò của Ngài.
Đọc bao nhiêu sách, tôi đúc kết ra rằng chúng ta tu tập theo sự hướng dẫn của Đức Phật để có hạnh phúc ngay bây giờ và mãi mãi sau này. Chính trong thế kỷ 21 văn minh này, việc tu tập theo đức hạnh và con đường của Đức Phật rất dễ dàng bởi kinh sách rất phổ biến, thông tin truy cập rất dễ dàng, điều kiện vật chất khá đầy đủ. Hơn nữa các vấn đề về biên giới, quốc tịch đã hầu như không còn. Vậy mà vẫn không có nhiều người biết đến Phật Pháp và tu tập để chính mình thoát khổ, đến được với an lạc.
Thế hệ trẻ ngày nay có may mắn rất nhiều so với các thế hệ trước. Thứ nhất, bởi chùa bây giờ rất nhiều, ở đâu cũng có chùa. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam, tỉnh nào cũng có chùa. Thứ 2, số lượng quý thầy, cô tăng lên đáng kể so với cách đây vài chục năm. Rất nhiều quý thầy, cô được đào tạo cơ bản, kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Các quý thầy giỏi về học kinh, luật, luận, có nền tảng kiến thức rất tốt, có trải nghiệm tu tập cũng khá dày. Thế hệ trẻ có thể học hỏi rất dễ dàng. Thứ ba, các khóa tu dành cho thế hệ trẻ ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng, cả miền nam lẫn miền bắc. Số lượng phật tử trẻ, phật tử sinh viên, học sinh ngày càng nhiều. Tu tập tại một số địa phương ngay càng dễ dàng, thậm chí tạo thành 1 phong trào. Và cuối cùng việc tu tập được sự ủng hộ rộng rãi và công khai của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương.
Vậy, thế hệ trẻ chúng ta cần phải làm gì. Tôi thiết ghĩ, đầu tiên nên đọc những cuốn sách đơn giản như “Bước đầu học Phật”, “Phật Pháp căn bản”,… Nên đến tham dự và nghe các buổi giảng pháp của quý thầy. Có thể tham gia các khóa tu 1 ngày, 2 ngày (vào cuối tuần) hoặc 3 ngày hay 7 ngày (nếu có điều kiện). Cuối cùng chúng ta quy y…