Trong quá trình phát triển Phật giáo đã thành tựu hình thức độc đáo mà nét đặc trưng của nó khác với Phật giáo Nguyên thủy. Sự thành tựu ấy như làn sóng hùng vĩ, khiến cho chúng ta có lý do để nhấn mạnh lịch sử phân chia hai giáo phái Phật giáo, tức Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa. Thực ra, Phật giáo Đại thừa và các tông phái của nó đều là hình thức Phật giáo phát triển, chúng ta cũng cần phải tìm về nguồn vị sáng lập ra giáo pháp ấy ở Ấn Độ - đức Phật Thích Ca Mâu Ni vĩ đại. Hình thức phát triển Phật giáo Đại thừa này truyền vào Trung Quốc, rồi sang Nhật Bản, và lại tiếp tục đâm chồi nẩy lộc. Với những thành tựu này chúng ta không ngại gì không qui công lao cho các bậc thánh triết Phật giáo ở Trung Quốc và Nhật Bản. Các ngài hiểu được tại sao phải đem giáo pháp để thuận theo hoàn cảnh cuộc sống biến đổi không ngừng và khát vọng tôn giáo của con người. Nhưng nỗi vất vả miệt mài và tùy thuận của các ngài lại làm tăng thêm khoảng cách khác biệt giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy. Rốt cuộc đến nay, những Tính - Tướng nổi bật ấy của Phật giáo Nguyên thủy có thể nói đã không còn nhìn thấy trong Phật giáo Đại thừa nữa, ít nhất là ở bề ngoài như thế.