Ở Nhật, ta thường thấy những người theo Thiền Đạo có những vai trò tương phản nhau như thi sĩ và chiến sĩ, vừa lý tưởng vừa thực tế. Khi thiền sư Sogen sắp bị một bọn cướp chặt đầu, người im lặng ngồi xuống viết những dòng thơ:
Trời đất không cho ta chỗ trú,
Ta vui mừng vì thân và tâm đều không thật.
Hoan nghênh khí giới của người, hỡi khổ đau,
Ta cảm thấy gươm của ngươi như làn chớp cắt ngọn gió xuân.
Cũng như ta tìm thấy hay yếu tố đặc biệt ấy trong bản chất các thiền sư và đồ đệ, ta cũng thấy rằng Thiền đã ảnh hưởng nền văn hóa Nhật Bản theo hai chiều hướng - mỹ thuật và chiến thuật. Một mặt chính, Thiền đã sản xuất ra trà đạo, hoa đạo, những tác phẩm của các nghệ sĩ, thơ của Basho, và kiến trúc của Nhật Bản đầy vẻ bình dị lặng lẽ. Nhưng mặt khác, cũng chính Thiền đã sản xuất ra kiếm đạo, và những nguyên tắc khắc khe của võ sĩ đạo. Sự mâu thuẫn trong Thiền là nó vừa có thể phối hợp niềm an nhiên của Niết Bàn với hoạt động mãnh liệt của sự chiến đấu và những công việc thường nhật. Hãy trích dẫn lời thiền sư Takuan:
Điều quan trọng nhất là có một thái độ tinh thần được gọi là trí tuệ bất động... Bất động không có nghĩa là cứng cỏi nặng nề, như tảng đá hay khúc gỗ. Nó có nghĩa là sự di động cao độ với một trọng tâm đứng yên. Tâm thức đạt đến cao độ của sự linh mẫn, sẵn sàng hướng chú ý đến bất cứ chỗ nào cần. Nhưng có một cái gì bất động bên trong sự chuyển động một cách tự nhiên cùng với vạn vật.