Nhân vật chính trong truyện là Thị Kính, một hóa thân của "Bồ Tát Quan Thế Âm". "Bồ Tát" có nghĩa là người tu hành gần đến bậc Phật và thường có lòng từ bi cứu khổ cho khắp mọi chúng sinh. "Quan" là quan sát, xem xét, lắng nghe. "Thế" là thế gian, là cõi đời. "Âm" là âm thanh, là tiếng nói. "Quan Thế Âm" là lắng nghe các âm thanh, các tiếng kêu cứu của người thế gian đang bị lâm nạn, đang chìm trong biển khổ để đến cứu vớt họ.
Cuốn sách này đề cao các hạnh trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục cùng cực. Ngoài ra truyện còn đề cập tới hai vấn đề là chữ "hiếu" và chữ "nhân" của người xuất gia theo đạo Phật.
Tiểu Kính Tâm, tức bà Thị Kính, tuy xuất gia nhưng lòng thương nhớ cha mẹ vẫn tràn đầy. Người xuất gia không chấm dứt tình cảm với gia đình mà chỉ nâng tình cảm đó lên một bình diện rộng lớn với một mức độ thắm thiết, sâu sắc và cao cả hơn mà thôi. Quan niệm hiếu không chỉ nhắm vào mỗi việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất mà còn phải tìm mọi cách để độ cho cha mẹ thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, vì Đạo Phật là đạo giải thoát.
Kính Tâm mặc dù bị Thị Mầu vu oan, chịu khổ sở, nhưng vẫn hết lòng nuôi con Thị Mầu chu đáo, tận tình như nuôi con đẻ của chính mình. Bởi vì Đức Phật dạy người xuất gia phải có lòng từ rộng lớn, phải thương yêu tất cả mọi chúng sinh như là người mẹ thương yêu con ruột của mình.
Như vậy bà Thị Kính xuất gia tu đạo Phật đã đền đáp đầy đủ công ơn cha mẹ, đồng thời lại giúp đời, cứu người. Cả hai chữ "hiếu" và "nhân" đều vẹn toàn. Tinh thần Phật Giáo đã là một ngọn hải đăng chói sáng hướng dẫn cho bà Thị Kính trong hành trình vượt qua con sông mê để vươn tới bến bờ giác ngộ, để bà Thị Kính trở thành tiểu Kính Tâm và sau đó tiểu Kính Tâm trở thành Đức Phật Quan Âm.