Khi nghe đến hai chữ vô thường, nói chung người ta thường cho đó là lời ta thán về sự phù du mỏng manh của kiếp người. Hơn nữa, đời người là thứ quá bấp bênh, sống chết không kiểm soát được cho nên vô thường cũng gắn liền với chềt chóc. Nhưng thật sự có phải vô thường mang hình ảnh ảm đạm như vậy không?
Nguyên ngữ Sanskrit của vô thường là anitya. Trong đó nitya là một tính từ mang nghĩa vĩnh cửu, hằng cửu, bất biến, còn a- là tiếp đầu từ mang nghĩa phủ định cho nên anitya sẽ là không hằng thường, không vĩnh viễn, nhất thời.
Có ba slogan làm nền tảng cho Phật giáo gọi là Tam pháp ấn. Chư hành vô thường là một trong ba slogan đó. Những thứ có sự sống ở thế gian này, và ngay cả cái thế giới mà chúng trú ngụ, tất cả đều biến dịch theo dòng chảy thời gian. Không hề tồn tại bất cứ một thực thể cố định nào có thể siêu việt khỏi hiện tượng biến hóa. Nắm bắt hiện thực như vậy chính là xuất phát điểm của Phật giáo.
Chúng ta có thói quen ngắm nhìn sự vật ngoại giới như là những thứ cố định. Tuy nhiên trên thực tế lại không có thứ gì vĩnh viễn bất biến. Chư hành vô thường của Phật giáo chỉ trình bày lại y nguyên sự thật vạn vật biến hóa, chứ không đưa ra một tư tưởng khó hiểu nào cả, và cũng không nhìn phù du đời người một cách bi quan. Ý nghĩa của Chư hành vô thường đó là nắm bắt chính xác sự thật cái gì đã có sinh ắt có diệt, tất cả đều biến hóa không ngừng, hơn nữa tìm thấy ở sinh mệnh hữu hạn một giá trị vô hạn.
Chính vì vô thường cho nên con người mới nỗ lực, mới tìm ra cái khả năng biến hóa hướng thượng. Chính vì mọi thứ biến hóa từng khắc cho nên không thể xao nhãng phút giây nào. Vô thường trình bày nhân sinh quan nền tảng của Phật giáo mà cũng là trụ cột chống đỡ cho chủ nghĩa nỗ lực của Phật giáo. Cuốn sách mỏng này chỉ mong làm sáng tỏ trong khả năng giới hạn một chân lý muôn đời ấy là vô thường mà thôi.