Mật tông Tây Tạng là hậu kỳ của Phật giáo Ấn Độ, chỉ được phổ biến sau khi đức Phật nhập diệt hơn 1.000 năm. Thế nhưng ở miền đất Tây Tạng thiên về đời sống tâm linh, Mật tông đã phát triển toàn thế giới nhờ vào giáo lý chân thực, mang tính thực dụng với chủ đích giúp người còn sống lẫn người đã chết tìm được sự giải thoát rốt ráo, không hù dọa hay áp dặt.
Đầu tiên, Mật tông với những ấn chú, thần chú bí hiểm đã khiển cho mọi người hiểu lầm đó là tông giáo thiên về huyền bí hay phù chú. Thật ra, Mật tông vẫn trung thành với giáo lý của đức Phật truyền dạy nhưng có cách diễn giải thực tế hơn nên dần dần đánh tan những hoài nghi ấy.
Từ khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất thành lập giáo phái cho đến khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu vong ra ngoại quốc, kinh sách của Mật tông đã có đến hàng ngàn cuốn. Trong kho tàng kinh sách Tây Tạng, nổi bật nhất vẫn là cuốn “Tử thư” bởi nó chính là sự đúc kết tinh hoa những lời khuyên tâm huyết của các bậc đại sư có nhiều kinh nghiệm tu tập. Theo sự giới thiệu ở đầu sách thì vị Đạt Lai Lạt Ma dương nhiệm đã khuyên chúng ta nếu không nhận thức ra cuộc sống là cơ hội ngàn năm một thuở để tu tập và chuẩn bị cho cái chết sẽ bị hậu quả tàn phá đời này và vô lượng đời sau. Đó củng là mục đích tối hậu của cuốn "Tử thư" nên người biên soạn cố gắng tổng hợp với một số kinh sách của Tây Tạng, viết thành một cuốn sách mang tính chất phổ thông hơn là rao truyền giáo lý của Phật giáo Mật tông.
Sự diễn giải sự sống và cái chết theo tàng thư Tây Tạng mang nhiều điểm đặc sắc, gần với khoa học với sự so sánh các trạng thái bardo và những cái chết lâm sàng mà khoa học gần đây rất chú ý nghiên cứu. Sự so sánh ấy có tính chất khá tương đồng nên dù không phải là Phật tử, bạn vẫn có thề rút ra trong sách ít nhiều kinh nghiệm cho tri thức của bạn áp dụng vào trong cuộc sống hiện tại.
Xin trân trọng giới thiệu!