.. Người đời chưa thể hiểu hết Kinh Dịch nên vẫn gọi nó là Vạn năng thiên thư. Các học giả Tây phương đều cho rằng: Ấn Độ có yoga làm thay đổi phương thức và quan niệm về thể dục với sức khoẻ, còn Kinh Dịch của Trung Quốc làm thay đổi quan niệm triết học và cách tư duy về thế giới. Sách được dịch nhiều sang tiếng Pháp, tiếng Anh. Leibniz- triết gia kiêm toán học gia của Đức, người nghĩ ra phép nhị phân số học năm 1679 đã ứng dụng vào hai vạch âm dương trong Kinh Dịch. Nhà tâm lý học Thuỵ Sỹ, Jung, đã dùng Kinh Dịch để tìm hiểu cội nguồn tâm lý tư tưởng của con người tại một thời điểm nhất định. Trong quân sự, Nga và Mỹ đang ráo riết nghiên cứu công năng đặc dị của con người qua liên lạc bằng tâm thức cảm ứng.Trong thiên văn, Dịch là cơ sở để nghiên cứu chu kỳ vận động của mặt trăng, các hành tinh cùng sự thay đổi của khí hậu. Trên thương trường, người Nhật Bản và Hàn Quốc đang ứng dụng luật biến dịch để giành quyền kiểm soát thị phần... Gần đây, cơn sốt đọc Kinh Dịch lan rộng khắpTrung Quốc, rất nhiều hội Dịch học ở các tỉnh, thành phố lớn mời những học giả tiếng tăm, nghiên cứu Dịch lâu năm đến giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm rồi in thành hàng ngàn đầu sách, trong đó hàng trăm cuốn chỉ dẫn ứng dụng y học cổ truyền, phòng bệnh bằng phương pháp duy trì bảo vệ sự cân bằng âm dương trong cơ thể con người hoặc trong cách luyện khí công, điều chỉnh kinh mạch.
Kinh Dịch từ lâu đã được dịch sang tiếng Việt qua các bản dịch của các bậc trí giả, nhà nghiên cứu đại thụ như Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Duy Tịnh, Ngô Tất Tố, Phan Bội Châu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cẩn và của một số nhà triết học khác. Hà Nội cũng có một số lớp học Dịch, nghe nói Hội Dịch học nghiệp dư Hà Nội ra đời nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Dù vậy, Kinh Dịch vẫn còn là một đám mây mù ngũ sắc dày đặc biến ảo bao la, hơn nữa, sách thì nhiều nhưng hầu hết đều bàn vể cách hiểu Dịch hơn là vận dụng Dịch vào thực tiễn! Vì vậy, với một số hiểu biết nhất định về Dịch, xin được trình bày khái niệm dịch học một cách tổng quan nhất, cách hiểu và vận dụng nội dung 64 quẻ dịch cùng 384 hào vào phép đối nhân xử thế trên cơ sở minh họa bằng những câu chuyện lịch sử kinh điển từ cổ đại đến cận hiện đại của triết học Đông phương.
Xin trân trọng giới thiệu!