Lịch sử phát triển của khoa học cho thấy rằng những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và lập luận logic mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của yếu tố trực giác và cảm hứng.
Nếu như đầu thế kỷ 20, Vật lý học đã hân hoan chào đón sự ra đời của Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối thì thế kỷ 21 này, theo như tiên đoán của nhiều học giả nổi tiếng, sẽ được đánh dấu một bước tiến vĩ đại, đó là sự nhận thức được rằng khoa học và tâm linh không đối nghịch nhau, mà là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại.
Einstein, người sáng lập ra thuyết tương đối và khai sáng thuyết lượng tử, những luận thuyết đã mang lại biết bao thành quả kỳ diệu trong khoa học và công nghệ hiện đại, khẳng định rằng "Khoa học, tôn giáo, nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây... Khoa học không có tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo không có khoa học thì mờ ảo".
Pauli, nhà Vật lý lừng danh với "Nguyên lý loại trừ Pauli" trong Vật lý nguyên tử, nhận định rằng "Nếu Vật lý và tâm linh được xem như các mặt bổ sung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thỏa mãn".
Tiền đề xuyên suối của Thuyết lượng tử là "Nguyên lý bổ sung đối ngẫu" khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện với hai bản chất tương phản nhau Sóng và Hạt. Nguyên lý đó cũng là hoàn toàn phù hợp với giáo lý đạo Phật, thể hiện sâu sắc nhất trong kinh Kim Cương và kinh Bát Nhã Ba la mật khi luận về Ngũ Uẩn, cũng như đạo lý trong đạo lý về Chân không. Cũng hoàn toàn trùng hợp với đạo lý Chân không trong kinh Phật, Thuyết lượng tử dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trọng là không thể tồn tại chân không như một "không gian trống rỗng". Khi hội tụ các điều kiện thích hợp, từ chân không sẽ sản sinh ra các hạt và phản hạt đủ mọi thể loại, chúng tương tác với nhau để tạo ra thế giới hiện tượng muôn hình muôn vẻ như ta cảm nhận, và cuối cùng lại hủy hoại trở về Chân không.
Có thể hi vọng rằng cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của Khoa học và Công nghệ dần dà chúng ta sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là huyền bí hoặc hầu như phi lý.
Cuốn sách Khoa Học Và Vấn Đề Tâm Linh của GS.TS Đoàn Xuân Mượu là một đóng góp quí giá vào việc thực hiện mục tiêu này. Cuốn sách cung cấp những tư liệu phong phú và sinh động về những hiện tượng huyền bí, mà cho tới nay vẫn chưa thể lý giải nổi trong khuôn khổ những kiến thức đã có từ các ngành khoa học truyền thống. Tiếp cận những vấn đề này một cách khách quan với thái độ tôn trọng sự thật nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng là ý tưởng chủ đạo của tác giả được phản ánh rõ nét xuyên suốt nội dung cuốn sách.