Trong đời sống tâm linh của mình, người Việt có những quan niệm và nghi lễ riêng cho người chết: Người chết nghĩa là đi về thế giới bên kia, đó là về cõi âm - là cõi vĩnh hằng của con người. Không phải là đi sang cõi âm, mà là về cõi âm. Về - từ này hàm nghĩa một sự trở về và là trở về nơi gốc gác của con người, "Sống gửi thác về". Dù quan niệm nơi cư ngụ của con người sau khi chết là ở đâu chăng nữa, người Việt bao giờ cũng dùng từ "về" để chỉ sự trở về của con người khi sự sống kết thúc. Người Việt tin rằng chết không phải là hết, mà là bước sang một cuộc đời khác và ở đó người ta phải tiếp nhận hậu quả của cuộc đời trước đó do bản thân mình tạo ra. Vì thế, trong cuộc đời người ta thường muốn sống tử tế với nhau hơn. Đó là tính nhân bản và cũng chính là mảnh đất nuôi dưỡng mọi thứ tôn giáo trên thế giới này.
Cái chết của con người là sự đoạn tuyệt với các mối quan hệ trong xã hội, gây ra nỗi đau buồn thương tiếc của những người thân yêu ruột thịt, đối với hàng xóm láng giềng, bạn bè... Chính vì vậy, việc tang được đặt trong lĩnh vực tư tưởng và tình cảm, nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người sống đối với người chết trong giờ phút vĩnh biệt.
Việc tang đặt ra không phải vì người đã chết mà chính là nhu cầu của những người đang sống, vì lợi ích của xã hội đang tồn tại trên trái đất, trong thế giới có thực.
Cuốn sách "Nghi thức tang lễ và văn khấn truyền thống" nhằm giúp mỗi người dân chúng ta khi trong nhà "lâm sự" sẽ rất bình tĩnh và biết được các việc cần làm - vừa đảm bảo được "việc hiếu", "nghĩa tử là nghĩa tận" - vừa đảm bảo vệ sinh, văn minh. Với tinh thần kế thừa phát huy những tục lệ tốt đẹp, loại bỏ những tục lệ lạc hậu, lỗi thời, hình thành những nghi thức về lễ tang mới, đó cũng là sự tiến hóa của nếp sống văn hóa. Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần nhỏ bé vào việc bồi đắp cho phong tục nước nhà ngày thêm thuần hậu, nhằm giúp cho việc tang lễ dần dần đi vào hoàn chỉnh và ổn định.