Từ xưa tới nay, trước những bất định của thiên nhiên cũng như xã hội, con người luôn cảm thấy nhỏ bé và có một ước muốn "cầu lành, tránh dữ". Đó là một nhu cầu chính đáng và loài người luôn cố gắng tìm ra mọi phương pháp để đạt tới mục đích đó.
Ở Trung Hoa, thuật trạch cát là một phương pháp "cầu lành tránh dữ" được đánh giá rất cao và tồn tại từ thời cổ đại tới tận ngày nay qua nhiều sách vở, có đúng, có sai, có chính, có ngụy...
Hiệp kỷ biện phương thư là sách thuật trạch cát được soạn theo lệnh của vua Càn Long, nằm trong bộ "Tứ khố toàn thư", một kho tàng cực kỳ quý giá của văn hóa cổ Trung Hoa.
Ấn hành Hiệp kỷ biện phương thư nhằm viết lại từ lịch sử hình thành và phát triển của thuật trạch cát, giữ lại những gì chính thống, gạt bỏ những gì ngụy tạo, lộng ngôn.
Hiệp kỷ biện phương thư là một cuốn sách quý, được nghiên cứ kỹ càng của các nhà khoa học Trung Quốc với mục đích tham khảo về văn hóa cổ Trung Hoa, một nền văn hóa có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.
Hiệp kỷ biện phương thư được các nhà trạch nhật tin dùng, được các nhà nghiên cứu đánh giá là có khối lượng đồ sộ, nội dung phong phú, lí luận chặt chẽ và có nhiều quan điểm đáng phải nghiên cứu và trên thực tế thì tất cả các lịch trạch cát từ thời Càn Long (được gọi tên là Hoàng lịch), đến thời Trung hoa dân quốc (với tên sách là Trung quốc dân lịch, Bảo tụ lâu) và cả đến hiện nay (ở Đài Loan và Hồng Công hàng năm cũng có ít nhất 4, 5 loại lịch trạch cát với tên gọi khác nhau), phần trạch nhật vẫn lấy Hiệp kỉ biện phương thư làm gốc, có bổ sung ít nhiều. Như vậy
Hiệp kỉ biện phương thư là bộ sách kinh điển về trạch nhật.