Tóm tắt tác phẩm
Hai tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Ivan Turgenev có chung đề tài về cuộc sống của thanh niên Nga trong giai đoạn khủng hoảng về tư tưởng xã hội. Tác phẩm Đêm trước viết về tình yêu giữa Elena - người thiếu nữ Nga và Inxarov - một chàng trai Bungari. Họ có chung lí tưởng và cá tính mạnh mẽ, mong muốn thay đổi tình trạng trì trệ, tối tăm của xã hội. Nhưng, Inxarov đã chết trước khi anh kịp làm một điều gì đó cụ thể cho đất nước Bungari của anh và số phận Elena vẫn còn bỏ ngỏ. Cũng tương tự như vậy Bazarov trong Cha và con là một thanh niên thông minh, nhiệt tình và phủ nhận mọi đức tin cũng như những hành động đạo đức nửa vời. Với cá tính mãnh liệt, anh sẵn sàng tranh cãi và thậm chí đấu súng với những người mà anh cho là trưởng giả và lạc hậu. Tuy nhiên, chàng thanh niên theo chủ nghĩa hư vô đó cũng sớm lìa khỏi cuộc sống vì lây bệnh khi anh khám chữa cho những người nông dân.
Lời của tác giả
“Đêm trước […] bắt đầu một thời đại mới ở nước Nga và những nhân vật như Elena, Inxarov là những người tiên phong của những gì xảy ra sau đó”.
Nhận định của văn giới và báo chí
“… Trong ông có tình yêu từ ánh sáng, từ mặt trời và chất thơ nhân bản, sống động như là sự khước từ tất yếu tất cả những gì xấu xa, thô thiển và phi lý, điều đó đã đưa ông thành nhà thơ của những gì tốt đẹp nhất trong phẩm chất tự nhiên của con người”
- Book Description
“Kiệt tác của Turgenev về sự xa cách giữa các thế hệ, với các nhân vật thân thuộc, không thể nào quên, nhất là chàng Bazarov có trái tim vàng, khiến chúng ta suy tư mãi mãi…”
- Audio file
“Trong Cha và con, nhãn quan của Turgenev về cái phi lý, châm biếm và cả sự bi ai thống thiết thật sự sáng rõ.”
- Daily Telegraph
“Chàng bác sĩ Bazarov, kẻ nổi loạn trong cuốn tiểu thuyết, là sáng tạo lớn lao nhất của Turgenev.”
- The Merriam - Webster Encyclopedia of Literature
“Ông đã bị quở trách ghê gớm vì chàng Bazarov, chàng Bazarov băn khoăn, chàng Bazarov buồn chán ấy (biểu hiện của một trái tim vĩ đại), bất chấp cả cái chủ nghĩa hư vô của chàng ta của chàng ta.”
- Fedor Dostoevsky
“Kì diệu thay vật báu Cha và con ấy… Sự kết thúc của Bazarov này, các cụ già này, và cả Kuscina nữa chứm có quỷ mới biết làm sao có thể viết nổi được những điều đó? Thật thiên tài lắm thay!”
- Anton Tsekhov
VI
Bazarov quay trở lại, ngồi vào bàn vội vã uống trà. Cả hai anh em ông Nikolai Petrovich đều lặng lẽ nhìn chàng ta, còn Arkadi thì chốc chốc lại nhìn trộm ông bố, rồi nhìn trộm ông bác.
- Cậu đi cách nhà có xa không? - cuối cùng ông Nikolai Petrovich hỏi.
- Ngay gần nhà bác có một đầm lầy nhỏ, bên cạnh rừng liễu hoàn diệp ấy. Arkadi ạ, mình dồn được đến năm con dẽ gà vào đầm lầy, cậu có thể hạ được chúng đấy.
- Thế cậu không biết săn bắt ư?
- Không ạ.
- Chắc cậu chuyên về vật lý? - đến lượt ông Pavel Petrovich hỏi.
- Vâng, vật lý thì có đấy ạ. Nói chung là cháu chuyên về các khoa học tự nhiên.
- Nghe nói, trong thời gian gần đây người Germany thành công rất nhiều về mặt này.
- Vâng ạ, về mặt đó thì người Đức vào bậc thầy của chúng ta, - Bazarov đáp với vẻ khinh thường.
Đáng lẽ nói “người Đức” thì ông Pavel Petrovich lại dùng từ “người Germany” là có ý châm biếm, nhưng không một ai nhận ra điều đó cả.
- Cậu đánh giá cao người Đức đến thế kia ư? - ông Pavel Petrovich nói với một giọng lịch sự khá cầu kỳ, ông đã bắt đầu ngầm cảm thấy bực bội. Thái độ suồng sã của Bazarov đã khiến bản chất quý tộc của ông phẫn uất lên. Cái thằng con nhà thầy thuốc này chẳng những không e dè gì, mà thậm chí lại trả lời nhát gừng và miễn cưỡng, trong lời ăn tiếng nói của y có một giọng gì sỗ sàng, hầu như xấc xược.
- Các nhà bác học bên ấy biết đường làm ăn lắm.
- Ra thế, ra thế. Nào, thế còn về những nhà bác học Nga thì hẳn là cậu không có được sự đánh giá tâng bốc như vậy chứ.
- Có lẽ thế đấy ạ.
- Đó thật là một thái độ hỉ xả rất đáng khen, - ông Pavel Petrovich vừa nói vừa dướn thẳng người lên và ngửa đầu, ngả về phía sau. - Vậy mà tại sao cháu Arkadi lại vừa cho chúng tôi biết cậu không thừa nhận quyền uy nào cả? Cậu không tin vào những quyền uy đó sao?
- Mà cháu đi thừa nhận những quyền uy ấy để làm gì ạ? Và cháu tin cái gì được ạ? Người ta cứ nói rõ sự việc ra, cháu sẽ đồng ý, có thế thôi ạ.
- Vậy người Đức cũng luôn nói rõ mọi sự việc chứ? - ông Pavel Petrovich nói, và nét mặt ông tỏ ra hờ hững, xa xôi, dường như toàn bộ con người ông đã bay bổng lên tận chín tầng mây.
- Họ cũng chẳng nói hết mọi việc đâu, - Bazarov đáp với một cái ngáp ngắn, rõ ràng không muốn tranh cãi gì thêm nữa cả.
Ông Pavel Petrovich đưa mắt nhìn Arkadi, tựa hồ muốn bảo chàng rằng: “Phải thừa nhận là anh bạn của cháu cũng nhã nhặn đấy”.
- Còn về phần tôi, - ông lại nói tiếp và không phải là không cố gắng đôi chút để nói nên lời, - của đáng tội, tôi cũng chẳng than phiền gì về người Đức cả. Về những người Nga gốc Đức, tôi chẳng nói làm gì, bởi vì chẳng nói cũng rõ họ là hạng người nào rồi. Nhưng ngay cả những người Đức gốc Đức nữa, tôi cũng chẳng thích thú gì. Trước đây thì còn khả dĩ, lúc bấy giờ họ còn có những người đại để như Schiller chẳng hạn, rồi
Goethe[9]... Người anh em ạ, đấy là điều đặc biệt thuận lợi cho họ đấy... Thế còn bây giờ thì thấy rặt những ông hóa học, với những ông duy vật...
- Một nhà hóa học nghiêm chỉnh có ích gấp hai chục lần bất cứ một thi sĩ nào, - Bazarov ngắt lời.
- Té ra vậy, - ông Pavel Petrovich nói và hơi nhướng đôi mày, tựa hồ lim dim ngủ. - Thế nghĩa là cậu không thừa nhận nghệ thuật?
- Nghệ thuật làm tiền thì có, nếu không thì đã chẳng làm gì có bệnh trĩ! - Bazarov thốt lên, với một tiếng cười nhạo khinh khi.
- Thế đấy, thế đấy. Cậu bông đùa đến thế kia đấy. Vậy là cậu bác bỏ tuốt cả chứ gì? Cứ cho là như vậy. Nghĩa là cậu chỉ tin vào mỗi khoa học mà thôi?
- Cháu đã thưa với bác là cháu chẳng tin vào cái gì hết. Mà khoa học là cái gì kia chứ, khoa học nói chung chăng? Có các khoa học, cũng như có các nghề nghiệp, các chức danh vậy. Còn khoa học nói chung thì chẳng làm gì có.
- Được lắm. Thế còn đối với các quy định mà mọi người đều chấp nhận trong cuộc sống hàng ngày thì cậu cũng có chiều hướng phủ định như thế chăng?
- Thế là thế nào, bác lục vấn tôi hay sao đấy? - Bazarov hỏi.
Ông Pavel Petrovich hơi tái mặt đi... Ông Nikolai Petrovich thấy cần phải xen vào câu chuyện.
- Thôi, cậu Evgheni đáng mến ơi, lúc nào đó chúng tôi sẽ đàm luận tỉ mỉ hơn với cậu về đề tài đó. Rồi chúng tôi sẽ được biết ý kiến của cậu và chúng tôi cũng sẽ phát biểu ý kiến của chúng tôi. Về phần tôi, tôi rất mừng được biết cậu đương nghiên cứu các khoa học tự nhiên. Tôi có nghe nói là
Liebig[10] đã có những phát minh kỳ lạ về phân bón ruộng. Cậu có thể giúp cho công việc canh nông của tôi. Cậu có thể góp cho tôi những ý kiến có ích nào đó.
- Cháu sẵn sàng phục vụ bác, bác Nikolai Petrovich ạ! Nhưng chúng cháu đâu dám ví với Liebig! Trước tiên phải học xong a, b, c đã rồi mới đi đọc sách được, còn chúng cháu thì những cái sơ đẳng nhất cũng chưa học xong nữa là!
“Đấy, thế là tớ thấy đích thị cậu là người theo chủ nghĩa hư vô rồi”, - ông Nikolai Petrovich nghĩ bụng. - Dù sao cũng xin đến nhờ cậu giúp khi cần thiết, - ông dõng dạc nói thêm. - Còn bây giờ, anh ạ, em nghĩ đã đến lúc ta phải đi bàn chuyện với ông quản lý thôi.
Ông Pavel Petrovich cất mình đứng dậy.
- Phải, - ông nói, chẳng nhìn vào ai, - điều tai hại là thấm thoắt đã năm năm mình sống cách xa những trí tuệ vĩ đại, ở cái chốn quê mùa này rồi! Chính là đã ngốc lại càng ngốc thêm đấy. Mình cố gắng không quên những điều đã được học, nhưng, đùng một cái, té ra đó toàn là những điều nhảm nhí, và bây giờ người ta lại bảo mình rằng những người đứng đắn hiện nay chẳng cần biết đến những chuyện lăng nhăng ấy nữa, và rằng mình chỉ là cái anh thiển cận lạc hậu. Làm thế nào được! Đúng là bây giờ thanh niên họ thông minh hơn chúng ta thật rồi.
Ông Pavel Petrovich từ từ quay gót và từ từ bước ra. Ông Nikolai Petrovich cũng cất bước theo sau.
- Ông bác của cậu lúc nào cũng thế hay sao? - Bazarov điềm tĩnh hỏi Arkadi ngay sau khi cánh cửa đã khép lại đằng sau hai ông già.
- Evgheni ạ, cậu nói chuyện với ông cụ gay gắt quá rồi đấy, - Arkadi nhận xét. - Cậu làm cho ông cụ phật lòng rồi.
- Đúng đấy, mình đến phải chiều chuộng mấy vị quý tộc nhà quê này mất! Mà tất cả đều chỉ là tự ái, là những thói quen lên mặt cha chú, là thói công tử bột thôi chứ có gì đâu! Ờ, nếu ông ấy đã có cái nếp sống như thế thì cứ tiếp tục sự nghiệp của mình ở Peterburg đi có được không... Nhưng thôi, cứ mặc xác ông ta cho rảnh chuyện! Mình vớ được một loại bọ nước khá hiếm đấy, loại Dytiscus marginatus ấy, cậu biết không? Mình sẽ cho cậu xem.
- Mình có hứa kể cho cậu nghe lịch sử, - Arkadi mở lời.
- Lịch sử loài bọ ấy à?
- Thôi đi, cậu, Evgheni. Lịch sử của ông bác tớ ấy. Cậu sẽ thấy cụ ấy không phải là con người như cậu tưởng tượng đâu. Cụ ấy đáng thương hơn là đáng để nhạo báng.
- Mình không cãi cọ gì với cậu về chuyện ấy. Mà tại sao cậu quan tâm đến ông bác của cậu ghê thế?
- Cần công bằng, Evgheni ạ.
- Tại sao lại phải thế?
- Không, cậu nghe đây...
Và Arkadi đã kể cho chàng nghe tiểu sử của ông bác mình. Bạn đọc sẽ thấy đoạn tiểu sử ấy ở chương sau.
[...]
[9] Johann Wolfgang Von Goethe(1749 - 1832): đại thi hào, triết gia Đức, bạn của nhà thơ Friedrich Schiller. Hai nhà thơ này được mệnh danh là “những thế kỷ bão táp và tiến công”.
[10] Liebig Justus von (1803 - 1873): nhà hóa học Đức, tác giả của hàng loạt công trình lý thuyết và thực hành về nông nghiệp.