Người xưa có câu:
“Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng
Độc tận thi thư diệc uổng nhiên
(Văn chương không nói Hồng lâu mộng
Đọc hết Thi, Thư liệu ích gì)”
để chỉ sức hấp dẫn vô cùng của Hồng lâu mộng - một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất xác lập một ngành nghiên cứu riêng lấy tên là Hồng học.
Tác giả Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần - vốn sinh ra trong một gia đình đại quý tộc nhưng dần suy vong, tan vỡ khi ông lớn lên. Hồng lâu mộng, do đó có thể xem là làn phản quang những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống quý tộc đã tan vỡ đó. Một mặt, đó là sự nhớ tiếc khôn nguôi những huy hoàng của thời vàng son lộng lẫy, cảm thấy hiện tại tất cả nhuốm màu thê lương, hư vô, tất cả đều xê dịch về phía bế tắc, hủy diệt, tất cả đều đáng ân hận, và chỉ có thể cứu chuộc bằng hư vô, bằng siêu hình, bằng tôn giáo! Nhưng mặt khác, từ trong cuộc sống nghèo khổ hôm nay, quay đầu nhìn lại thì cái khoảng cách lớn lao đó làm cho ông thấy được rõ hơn, khách quan hơn, bình tĩnh hơn những gì ông đã thấy, đã nếm trải về cuộc sống thối nát của giai cấp quý tộc và sự miêu tả khách quan “những quan hệ hiện thực” này làm ông trở thành một nhà hiện thực. Thông qua chuyện tình giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc trong Giả phủ, có thể nói Hồng lâu mộng là xã hội Trung Hoa thu nhỏ thời Mạt Thanh và cuộc gặp gỡ của những tư tưởng thời đại.
Hồng lâu mộng là tác phẩm đóng dấu sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết Trung Quốc. Tiểu thuyết Trung Quốc trước đây, chủ yếu là tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký... thiên về mô tả hành động, miêu tả hoạt động bên ngoài và lời nói của nhân vật. Đến với Hồng lâu mộng, các nhân vật được miêu tả trong sự phát triển đầy mâu thuẫn, sự phát triển biện chứng, có chiều sâu đầy kịch tính. Đơn cử như số phận và tính cách của Bảo Ngọc đã được tác giả miêu tả không đơn giản. Đó là mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Đó là tình yêu chân thành và quý báu như chính sinh mệnh của mình nhưng lạ thay, Bảo Ngọc hầu như chẳng làm được gì, chẳng chiến đấu dũng mãnh gì để đoạt lấy hạnh phúc! Các nhân vật khác như Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng… đều được xây dựng gần như một tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
Có thể nói, Hồng lâu mộng đã đưa đến cho người đọc những hiểu biết sâu xa về xã hội và về con người với một cách viết chân thực, bao gồm nhiều bút pháp lớn kim cổ. Nó là một cuốn bách khoa sinh động về xã hội Trung Quốc thời xưa. Hồng lâu mộng xứng đáng đứng ngang với các kiệt tác của nhân loại.
Một số nhận xét về tác phẩm:
“Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy… Sau khi Hồng lâu mộng ra đời, cách viết và tư duy truyền thống hoàn toàn bị phá vỡ” - Lỗ Tấn.
“Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhật xét nào về nó” - Mao Trạch Đông