Trong kho tàng hơn 300 bộ trường thiên tiểu thuyết thời Minh - Thanh Trung Quốc, Tây du ký là tác phẩm có một vị trí đặc biệt. Đó là tiểu thuyết lãng mạn mang màu sắc thần thoại hiếm có trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng Trư Bát Giới và Sa Hòa Thượng phò Đường Tăng sang phương tây (Ấn Độ ở về phía tây Trung Quốc). Đường đi gặp biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật Tổ, mang kinh Phật truyền bá về phương đông. Tây du ký vốn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông là Trần Huyền Trang năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Hành trình này kéo dài 17 năm, trải qua rất nhiều sự kiện, biến cố. Câu chuyện có thật này vốn đã mang màu sắc huyền thoại và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Ngô Thừa Ân là người tập hợp và gia công cuối cùng những câu chuyện về chuyến hành trình đó. Dưới ngòi bút sáng tạo của ông, Tây du kí không những trở thành một tác phẩm có một dung lượng đồ sộ 100 hồi trước kia chưa hề có, mà tính tư tưởng cũng được nâng cao, có tính cách rõ nét, văn phong uyển chuyển, khúc chiết và trước sau nhất quán.
Có thể thấy nhà văn viết truyện Tây du ký là để gửi gắm một tâm sự, thể hiện một lý tưởng, bênh vực một quan niệm nhân sinh chứ quyết không phải chỉ là chuyện đùa vui để tiêu khiển. Tây du ký trước hết thể hiện sự bất mãn và phản kháng của tác giả đối với hiện thực đen tối thời Minh. Tác phẩm còn phản ánh lý tưởng tự do bình đẳng cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên tai nhân họa để thực hiện bằng được lý tưởng của nhân dân và tầng lớp thị dân mới trỗi dậy đương thời. ..
Tây du ký là bộ truyện lãng mạn mang sắc thái thần thoại, khác với Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử được sáng tác theo phương pháp hiện thực. Đối tượng miêu tả của Tây du ký là thần phật, yêu quái. Sức tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả đưa người đọc vào một thế giới huyền ảo, diệu kỳ. Mỗi hồi, mỗi đoạn đều mới mẻ và hấp dẫn, không chỗ nào giống chỗ nào. Tất nhiên, thế giới huyền ảo đó đã được miêu tả căn cứ vào hiện thực.
Một đặc điểm trong Tây du ký vô cùng thu hút bạn đọc là cách tác giả tập trung khắc họa tính cách nhân vật trong đoàn thỉnh kinh. Đường Tăng là một hòa thượng thành tâm sùng đạo, bền gan quyết chí theo đòi việc lớn, nhưng đồng thời cũng là một trí thức phong kiến chịu sự ràng buộc của đủ thứ lễ nghi quy tắc, lại ít được tôi luyện trong thực tế cuộc sống, trói gà không chặt, do đó thường lúng túng và bó tay trước khó khăn. Trư Bát Giới là một nhân vật được xây dựng rất xuất sắc, đặc biệt là trong yêu cầu cá thể hóa tính cách. Ở Trư Bát Giới chúng ta lại tìm thấy tất cả những cái bình thường, thậm chí hèn mọn của con người. Hình tượng rực rỡ nhất trong Tây du ký là hình tượng nhân vật anh hùng nổi loạn Tôn Ngộ Không. Đó là một kiểu hiệp sĩ chống trời, một loại anh hùng mà đặc trưng tính cách là phản kháng, nổi loạn, dám đấu tranh và biết đấu tranh.
Tại Việt Nam, Tây du ký là bộ truyện được nhiều người yêu thích. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đã đi sâu vào cuộc sống quần chúng, trở thành biểu tượng cho các loại người. Ở nước ta đã có nhiều người dịch Tây du ký ra tiếng Việt. Nhưng qua mỗi lần dịch, tác phẩm bị lược bỏ ít nhiều chi tiết, hoặc dịch nhiều đoạn không sát ý nguyên tác (có lẽ theo các nguyên bản khác nhau). Lần này, Đông A lựa chọn xuất bản bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh. Bản dịch này chủ trương mang đến cho bạn đọc một bản Tây du ký đầy đủ hơn. Trong quá trình dịch thuật, dịch giả có tham khảo các bản dịch đã xuất bản trước đây, chủ yếu là bản dịch của Thụy Đình - Chu Thiên hiệu đính - Nhà xuất bản Phổ thông Hà Nội, 1960. Trong phần dịch thơ, nếu đoạn nào, bài nào của bản dịch cũ dịch tương đối tốt, thì dịch giả không dịch lại.
Một số nhận xét về tác phẩm:
“Tây du ký là bộ truyện lãng mạn thành công nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc” - Giáo sư Lương Duy Thứ
“Tây du ký là một tác phẩm thần thoại mang ngụ ý phản kháng sự thống trị của chế độ phong kiến. Ngô Thừa Ân đã mô tả hết sức tài tình, dưới ngòi bút của ông, nhân vật yêu quái cũng có xỉ nộ ái nố như người, vì thế khiến độc giả ai nấy đều thích thú” - Lỗ Tấn
“Tây du ký đánh dấu bước chuyển từ khuynh hướng “tiểu thuyết anh hùng” mà Tam quốc, Thủy hử là tiêu biểu sang khuynh hướng “tiểu thuyết sinh hoạt” mà Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng là tiêu biểu” - V.I.Xêmanốp