Nàng Anna xanh xao và những truyện ngắn trong tập được Heinrich Böll viết sau Thế chiến II, rất có thể là trên
chiếc bàn gỗ rệu rã đã qua dăm đời chủ, chiều cao 78,5 cm, mặt bàn dọc 111 cm, ngang 69,5 cm, bị đạn pháo đục
thủng, và bằng chiếc máy đánh chữ Remington cổ lỗ sĩ.
Heinrich Böll đã không miêu tả trực tiếp chiến tranh, mà chậm rãi quét ống kính qua các mảnh hiện thực rạn vỡ của
nước Đức hậu chiến. Suốt tập truyện thấp thoáng nhân dáng những người lính hồi hương, đã thấy, ngửi, chạm vào
cái chết ở chiến trường, tê dại nhìn mảnh máng xối bám chênh vênh trên góc mái ngôi nhà cũ; phảng phất tiếc nuối
về ký ức sống yên bình, với một người con gái, hay bên dòng Rhein tăm tối u buồn vẳng tiếng còi báo mù sương;
và đây đó là những tâm thế hoang mang trước sự suy đồi của con người trong cuộc mưu sinh…
Tập truyện như nét phác khởi đầu “dòng văn học hoang tàn”, nơi chủ đề tính vô nghĩa của chiến tranh sẽ xuyên suốt
toàn bộ sáng tác của Heinrich Böll về sau, gợi nỗi khắc khoải, trầm tư sâu lắng về bản chất con người.