Tác giả: Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - PGS, TS. Nguyễn Thế Nghĩa - TS. Thái Thị Thu Hương
Số trang: 448
Giá tiền: 71.000 đồng
Những vấn đề cơ bản và cấp bách của triết học mácxít là một công trình nghiên cứu lý luận triết học công phu, nghiêm túc, do PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa và TS. Thái Thị Thu Hương đồng chủ biên với sự tham gia nghiên cứu và biên soạn của một tập thể các nhà khoa học của Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xuất bản cuốn sách này nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của đông đảo sinh viên đại học, các học viên cao học, nghiên cứu sinh ở nước ta. Cuốn sách còn là một tài liệu tham khảo tốt cho các cán bộ nghiên cứu, các giảng viên đại học cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm tới triết học và lý luận nói chung.
Cuốn sách thể hiện những tìm tòi mới của tập thể tác giả về cách tiếp cận đối tượng triết học, về lôgích nghiên cứu và phương pháp trình bày các vấn đề cơ bản và cấp bách của triết học trên lập trường, quan điểm mác xít.
Đọc kỹ cuốn sách, tôi cảm nhận được những nỗ lực khoa học, tâm huyết và trách nhiệm của các tác giả trong việc tìm tòi cái mới hoặc tìm một cách thể hiện mới ở một vấn đề không mới, hơn thế nữa, lại là vấn đề đã quen thuộc, đã trở nên phổ biến trong nhận thức chung từ bấy lâu nay.
Các tác giả trình bày những vấn đề cơ bản và cấp bách của triết học mácxít hẳn là có dụng ý.
Triết học mácxít, đương nhiên là nói về những tư tưởng của triết học Mác, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến vô giá của thiên tài C.Mác và cùng với C.Mác là Ph.Ăngghen - "Cái tôi thứ hai" của C.Mác, người đã gắn bó cả cuộc đời mình vào sự nghiệp của C.Mác; người khiêm tốn chỉ nhận mình là "cây đàn thứ hai" bên cạnh C.Mác; người đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp của C.Mác, sự nghiệp tạo ra đỉnh cao của trí tuệ, tư tưởng nhân loại ở nửa sau thế kỷ XIX.
Vào cuối thế kỷ XIX và những năm 20 của thế kỷ XX, nhân loại đã từng biết đến tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của V.I.Lênin (1870 - 1924) - người đã truyền bá tư tưởng của Mác - Ăngghen, đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào nước Nga, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917, khai sinh ra nước Nga Xôviết xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, trong tư duy của những người mác xít, triết học Mác mở rộng thành triết học Mác - Lênin, và chủ nghĩa Mác trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trình bày của các tác giả trong cuốn sách cho ta hiểu rằng, triết học mácxít không chỉ là tư tưởng, quan điểm, phương pháp của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin mà còn là những vấn đề triết học trong đời sống thực tiễn đương đại được kiến giải trên lập trường thế giới quan khoa học duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác - Lênin, của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong cuốn sách này, những vấn đề triết học của đời sống thực tiễn đương đại là những vấn đề liên quan trực tiếp tới sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đổi mới.
Các tác giả đã cố gắng dùng phương pháp phân tích triết học để làm rõ nội dung và ý nghĩa của dân chủ và dân chủ hóa đời sống xã hội, luận chứng về dân chủ với tư cách là mục tiêu, động lực phát triển xã hội và dân chủ hóa là động lực của sự nghiệp đổi mới.
Cũng như vậy, vấn đề văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc, vai trò động lực phát triển của văn hóa, bản chất con người và sự giải phóng con người ra khỏi tình trạng tha hóa, đặc biệt là xây dựng con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam được các tác giả nhìn nhận và phân tích trên bình diện triết học. Một chủ đề có tính thời sự và hiện đại được các tác giả đặc biệt chú ý, đưa vào nội dung sách và trình bày tương đối hệ thống, đó là những vấn đề triết học trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Các tác giả lựa chọn mấy điểm cốt yếu để trình bày. Đó là: đổi mới tư duy, trong đó đặt vấn đề đổi mới tư duy về nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, về nhận thức chủ nghĩa xã hội. Đây quả thật là những điểm huyết mạch trên cả hai bình diện: học thuật - tư tưởng và quan điểm chính trị.
Nội dung triết học của đổi mới ở Việt Nam được các tác giả quan tâm còn là phân tích bản chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, văn hóa và phát triển bền vững... Đây thực sự là những vấn đề đáng nghiên cứu với tư cách là đối tượng của nghiên cứu triết học.
Các tác giả đã cố gắng dùng lý luận mácxít như một phương pháp, công cụ của nhận thức khoa học để cắt nghĩa triết học của đổi mới, triết học của phát triển.
Các giáo trình và các sách nghiên cứu triết học trước đây chưa đề cập tới các chương, các mục này như những nghiên cứu độc lập, mới chỉ nêu vấn đề vận dụng thực tiễn, xem nó như là hệ quả của nghiên cứu.
Khoa học là vô cùng. Nhận thức lại là một quá trình. Thực tiễn cao hơn lý luận như V.I.Lênin đã khẳng định. Thực tiễn đổi mới đang diễn ra, nhiều vấn đề đã chín muồi trong thực tiễn, đã hé lộ, gợi ý, mách bảo nhiều tư tưởng triết học, thúc giục người nghiên cứu khái quát thành lý luận. Song cũng còn vô số vấn đề lý luận đang ủ mầm trên mảnh đất thực tiễn, phải có thời gian cho sự trưởng thành của thực tiễn cũng như của tư duy lý luận - của chủ thể nhận thức - thì vấn đề triết học mới thực sự định hình và hối thúc những tìm tòi sáng tạo.
Trước một vấn đề mới, các tác giả đặt được vấn đề nhiều hơn là giải quyết vấn đề, song như thế cũng là đáng quý vì nó góp phần gợi mở, kích thích sự tìm tòi cho nghiên cứu sáng tạo tiếp theo của chính các tác giả cũng như của mỗi chúng ta.
Trên tinh thần ấy, tôi đánh giá cao nội dung cuốn sách này, trân trọng những suy nghĩ, tìm tòi và thể hiện của các tác giả về hệ thống vấn đề trong kết cấu nội dung cuốn sách, nhất là những nỗ lực của các tác giả khi trình bày các vấn đề triết học của đổi mới ở Việt Nam.
Có thể xem đây là một cuốn sách chuyên khảo mà cũng có thể là một giáo trình chuyên môn mang hình thức mới.
Hình thức mới ấy chính là kết hợp trình bày hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học mácxít truyền thống với khái quát từ thực tiễn đổi mới để bước đầu nêu lên những luận đề triết học của đổi mới ở Việt Nam.
Cũng có thể cảm nhận thấy trong cách trình bày liền mạch của các tác giả về sự thống nhất hữu cơ giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng với phép biện chứng duy vật, giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó là một chỉnh thể. Các nguyên lý, các quy luật, các phạm trù tách riêng ra, một cách tương đối, để nhận biết nó từ góc độ triết học, còn trong thực tế chúng gắn liền mật thiết với nhau, bởi thế, phải chú trọng tính hệ thống, quan điểm phức hợp, chỉnh thể trong nghiên cứu, nhất là những nghiên cứu về con người và văn hóa vốn chứa đựng trong nó tất cả sự phong phú, sâu sắc và tinh tế. Cuốn sách chuyên khảo và giáo trình này mang ý nghĩa nghiên cứu triết học xã hội, triết học kinh tế, triết học chính trị và triết học văn hóa mà hạt nhân cốt yếu của nó là triết học về con người. Nó chung đúc trong triết học của phát triển, triết học của đổi mới. Tôi tin và mong rằng, nhu cầu nghiên cứu lý luận triết học của chúng ta nhất định sẽ phát triển ngày càng nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu ấy, rồi sẽ đến lúc, nhất định chúng ta sẽ cho ra mắt bạn đọc những cuốn sách chuyên khảo đầy đặn, sâu sắc hơn - chuyên khảo triết học mácxít về kinh tế, về chính trị, về xã hội, con người, văn hóa và phát triển.
Tôi cũng tin rằng, trong những nghiên cứu bổ sung cho những lần tái bản sau, các tác giả sẽ có những trình bày sâu hơn triết học về hệ thống chính trị, về chính trị nói chung, cũng như chỗ đặc sắc trong triết học con người -chính là lý luận triết học về nhân cách, về văn hóa đạo đức. Sẽ tốt hơn và đặc sắc hơn nếu tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, triết lý Hồ Chí Minh - triết học biện chứng thực hành, triết lý phát triển, triết lý nhân sinh và hành động của Người được nghiên cứu sâu, được trình bày giản dị trong sáng mà vẫn đậm chất trí tuệ, nhân văn Hồ Chí Minh sẽ được đưa vào sách trong những lần tái bản sau.
Điều mong mỏi ấy cũng chính là thể hiện niềm tin cậy và sự yêu mến mà người viết những lời giới thiệu này dành cho các tác giả.
Giáo sư, Tiến sĩ triết học HOÀNG CHÍ BẢO
Chuyên gia cao cấp, Ủy viên
Hội đồng Lý luận Trung ương