Toàn bộ tập thơ có 313 bài, (Tam bách thủ của Trần Trọng Kim có 336 bài), gồm 8 quyển, xếp theo thể loại cổ thi, luật thi và thơ tuyệt cú, ngũ ngôn và thất ngôn. Cái hay của tập này là các soạn giả tách riêng phần Nhạc phủ, coi như một thể loại không để lẫn với cổ thi, luật thi và tuyệt cú như các tập trước. Đó là một quan điểm đúng. Để như thế, người đọc thấy được Nhạc phủ ra đời trước thơ luật và vốn là lời của những khúc hát xưa. Các nhà thơ Đường, đôi lúc đã vận dụng nó khá sáng tạo. Chẳng hạn ba bài Thanh Bình điệu, chính là Nhạc phủ chứ không phải là tuyệt cú luật. Đường Huyền Tông trong một đêm vui thưởng hoa cùng Dương Quý phi, đã sai người triệu Hàn lâm học sĩ Lý Bạch về để viết ngay tại chỗ. Lúc ấy ông còn đang say! Ông viết ngay và được Lý Quy Niên, một nhà tác khúc cũng là danh cầm đã phổ nhạc luôn, hát hầu vua và Dương Quý phi.
Tuy nhiên, phần chú thích nhiều chỗ còn rườm rà thừa thãi. Do số trang về thơ, về dịch nghĩa, dịch thơ đã quá dầy, người dịch đành chọn lựa, lược đi; đây, đó chỉ để lại những chú thích thật cần thiết, chứ không dịch toàn bộ.
Tôi biết được chút ít chữ Hán. Biết là công việc dịch thơ Đường thật không dễ gì, nhưng thấy tập sách hay và có nhiều điều bổ ích, nên tôi đã dành thì giờ, dịch và soạn lại chút đỉnh. Bởi là người làm thơ, mê thơ Đường từ nhiều năm, nên tôi đã mạo muội dịch cả tập Đường thi tam bách thủ này. Có những bài, chữ nghĩa, tưởng chừng không vượt nổi, sau nghiền ngẫm, cố gắng dịch bằng được, theo vốn liếng của mình. Những bài nào được các dịch giả nổi tiếng trước đã dịch, tôi đều chép thêm sau bài dịch của mình để bạn đọc thử đối chiếu.
Và bây giờ, cuốn Đường thi tam bách thủ của Hành Đường thoái sĩ và Trần Bá Anh đã hoàn tất. Mong bạn đọc xa gần coi đây là tấm lòng của một người yêu thơ Đường, muốn đem chút quà tặng của mình đến những ai yêu thích thơ Đường như mình, dù biết rằng công việc của mình còn nhiều thiếu sót.
Xin trân trọng giới thiệu!