Trong văn học Trung Quốc cận đại, kể từ phong trào Ngũ tứ lại nay, ngoài Lỗ Tấn ra, nhà văn được chú ý nhiều nhất là Mao Thuẫn. Không những sáng tác nhiều kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học, dịch thuật, trên dưới bốn mươi tác phẩm, mặt nào cũng có. Ông còn là một trong những người có công xây dựng chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc. Mao Thuẫn là một bút danh, tên của ông là Thành Nhạn Băng. Mao Thuẫn là nhà văn đã đi theo con đường hiện thực chủ nghĩa ngay từ khi mới bắt đầu cầm bút, và đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị. Tài năng của ông phát triển trong cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, sự nghiệp của ông hoàn thành trong cuộc đấu tranh đó.
Đặc điểm của tiểu thuyết "Nửa đêm" là tác giả đã không lấy một nhân vật, một gia đình làm đề tài như các nhà tiểu thuyết khác vẫn thường làm. Mặc dù thời gian trong truyện chỉ trong vòng hai tháng và địa điểm chính là Thượng Hải, nhưng dưới ngòi bút của Mao Thuẫn, cả xã hội Trung Hoa khoảng năm 1930 đã được dựng lên và được phân tích kỹ lưỡng. Sự tan rã của giai cấp phong kiến, tính chất hai mặt của giai cấp tư sản, sự bạo động của nông dân, cách ăn chơi trụy lạc của những kẻ có tiền ở một đô thị lớn như Thượng Hải... đều được tác giả đề cập đến. Cuốn tiểu thuyết này đặt ra rất nhiều vấn đề nhưng vấn đề chính dành cho sự phân tích giai cấp tư sản Trung Quốc sau cuộc Đại Cách mạng thất bại. Trong "Nửa đêm", qua các nhân vật như Tôn Ngô Phủ, Đỗ Trúc Trai, Triệu Bá Thao, Tôn Cát Nhân... mỗi người một vẻ, Mao Thuẫn đã biểu hiện được đầy đủ mọi khía cạnh, mọi tính chất, mọi màu sắc của giai cấp tư sản Trung Quốc.
Cho đến nay, "Nửa đêm" vẫn được đọc giả và các nhà phê bình văn học Trung Quốc tán thưởng. Họ đều công nhận rằng: ""Cho đến nay, nếu muốn tìm trong văn học Trung Quốc hình ảnh của giai cấp tư sản dân tộc và giai cấp tư sản mại bản vào khoảng từ năm 1927 đến cuộc kháng chiến chống Nhật thì trừ cuốn "Nửa đêm" ra, không có tác phẩm nào khác hơn cả.