Với những lời kể nhẹ nhàng, trôi chảy, từng trang sách đưa chúng ta bước vào một thế giới khác . Từ nhà trẻ đến trường học, bạn bè tấm bé rồi đến bạn thân, tình bạn rồi đến tình yêu – trong con mắt của chúng ta, cuộc sống của thế hệ trẻ hầu như chỉ có bấy nhiêu. Quan hệ cộng đồng giản đơn, cốt truyện không mấy phức tạp. Nhưng dưới ngòi bút của Trương Duyệt Nhiên, những thứ giản đơn ấy mở ra trước mắt chúng ta thành một thế giới mới mẻ ly kỳ, với hành trình của trái tim tưởng bằng lặng nhưng thật ra cũng đầy cheo leo, trắc trở. Như thể phong cách vẽ tranh của nhân vật chính Đỗ Uyển Uyển vậy, “những nét vẽ thôi và mạnh mẽ, chứa đựng tật bệnh đang run rẩy, hủy hoại vẻ thanh khiết của khuôn hình”, vì vậy “chỉ có thể vẽ màu nước hoặc sơn dầu, lấy lớp màu dày đậy lên những đường nét run rẩy và ngơ ngác”, khiến cho “bức tranh chỉ là những cục màu to tướng, không rõ biểu đạt điều gì”.
Trương Duyệt Nhiên không giống các tác giả trẻ tuổi khác . Tác phẩm của cô không đơn thuần thể hiện sự bứt phá, chống lại lối mòn truyền thống, cô còn bộc lộ những khao khát tìm kiếm và mơ ước, suy ngẫm và cảm nhận của lứa tuổi mới lớn trong quá trình trưởng thành. Truyện của cô không đi theo lối mòn chán ghét xã hội, không có sự lải nhải phê phán và khoa trương ầm ĩ vô lối như phần nhiều các tác giả trẻ hiện nay. Cô không lạm dụng múa may tiểu xảo chữ nghĩa ở tầng bề mặt theo kiểu văn học trò. Những đặc điểm ấy, có lẽ bắt nguồn từ độ chín trong tư tưởng của cô. Suy ngẫm của Duyệt Nhiên cho tôi cảm giác cô là một cô gái chín chắn hơn tuổi, tư duy của cô đụng chạm đến những vấn đề căn bản trong sự sinh tồn của con người. Dù các nhà hiền triết và tiên thánh cũng không thể đưa ra đáp án về những vấn đề ấy, nhưng khi hướng tầm suy nghĩ về hướng ấy, tác phẩm sẽ tiệm cận với bản chất của văn học.
Tác phẩm này của Trương Duyệt Nhiên dĩ nhiên vẫn có thể xếp vào giá sách “văn học của tuổi thanh xuân” . “Tuổi thanh xuân” là một khái niệm rất rộng. Thế hệ chúng tôi được hưởng một tuổi xuân cực khổ trong áp chế, do những nguyên nhân chính trị và cả nguyên nhân gia đình, cùng sự bảo thủ lúc bấy giờ. Đương nhiên hồi ấy cũng có mộng ước, nhưng mơ ước của chúng tôi đều gắn với chính trị, cả tình yêu cũng nhuốm màu chính trị. Thế hệ sau chúng tôi lớn lên trong nỗi khổ của sự ngờ vực và nghi vấn. Thời đất nước mới mở cửa, con người bước từ giai đoạn suy tư bị cấm đoán đến cùng cực sang giai đoạn mới hoàn toàn giải phóng, thậm chí bị giải tỏa quá độ. Giá trị vật chất được cường điệu đến cực đỉnh, tiêu chuẩn đạo đức rớt thảm, thiếu hụt thước đo giá trị, và vô số các trào lưu tư tưởng ập đến do thời đại thông tin – khiến các bạn trẻ hồi ấy cũng rơi vào trạng thái giống những người của thập niên 70, bất lực trước hiện thực kinh khủng ngoài sức tưởng tượng, họ đành phó thác cho lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Dần dà, cùng với thời gian và cuộc sống đi vào ổn định, không khí dân chủ lan tỏa dần, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, hưởng sự giáo dục tốt lên – họ bắt đầu ổn định trở lại và bình tĩnh suy nghĩ lại về giá trị của bản thân, đồng thời tìm kiếm chân giá trị đích thực của cuộc sống. Đặt bên cạnh lòng nhiệt huyết cách mạng của lớp ông bà, sự sôi sục vì vật chất của lớp cha chú, dù kinh nghiệm cuộc sống ít ỏi khiến lớp trẻ ngày nay phần nào thiếu hụt, nhưng ngay từ đầu họ đã bắt tay tìm hiểu về giá trị tồn tại của bản thân. Sự suy ngẫm về giá trị cuộc sống cá nhân, mặc dù không có tính phổ cập đại chúng, nhưng có lẽ sẽ đem lại chất văn học dồi dào cho tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết này dành phần quan tâm nhiều đến sự suy ngẫm riêng tư và giàu triết lý ấy. Trương Duyệt Nhiên miêu tả hai cô gái Đỗ Uyển Uyển và Đoạn Tiểu Mộc gắn kết với nhau vô cùng mật thiết, miêu tả quá trình hai cô lớn lên từ nhỏ, từ thù chuyển thành bạn, và những tâm tư của hai cô về tình bạn, tình yêu, sinh tồn và diệt vong. Qua sự yêu ghét của hai cô với Kỳ Ngôn, Tiểu Kiệt Tử, Đường Hiểu…tác giả đặt điểm nhấn vào tình yêu giữa người với người, sự hài hòa giữa con người với vạn vật tự nhiên. Câu chuyện cho chúng ta hay, nhờ có tôn giáo, con người ta trải qua kiếp nạn đến bờ bình an, từ ác quay về với cái thiện. Tuy tôn giáo không thể ngăn bi kịch tái sinh, nhưng có thể cứu rỗi những sinh linh khốn khổ tiếp tục sống trong bình lặng, không đến nỗi cuồng dại trong nỗi đau, hoặc đau đớn quá hóa ác độc với người khác, và họ sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong nỗi thống khổ của mình. Cách nghĩ này có lẽ có nguồn gốc của nó, đồng thời cũng mang đậm dấu ấn riêng của Trương Duyệt Nhiên. Đây là đáp án các bạn trẻ tuổi nghiệm ra sau quá trình trăn trở tìm tòi về những vấn đề sinh tồn căn bản của con người. Tôn giáo ở đây không còn bao nhiêu hơi hướng của thần học, mà rực rỡ màu nhân tính nồng nàn. Và cách nghĩ này trở thành hoa tiêu dẫn đường cho những người đi tìm hạnh phúc trong thế giới vốn chỉ là hư vô và bụi trần. Tâm tưởng của tác giả xem ra thật độ lượng trong thế giới lấy oán trả oán, đầy rẫy khổ sở hiện giờ, nó cho tôi cảm giác giống như âm thanh đầy đặn và chất phác của cây đàn phong cầm trong giáo đường.
Trương Duyện Nhiên giàu tố chất tưởng tượng và ưu tư, tiểu thuyết của cô lãng mạn và thần bí, uyển chuyển và u nhã . Giàu xúc cảm và đa tài, cô đã thử sức mình trong nhiều lĩnh vực, nhờ vậy làm phong phú tuổi thanh xuân của mình. Cô nhanh nhạy nắm bắt từng dấu hiệu mang tính thông tin thời đại, và lắp ghép thành công vào tiểu thuyết của mình. Trong kếu cấu câu chuyện, có thể thấy ảnh hưởng của phim nghệ thuật châu Âu, tiểu thuyết diễm tình Hồng Kông, những câu chuyện cổ tích thế giới… Trong hình mẫu nhân vật và khung cảnh, có thể nhận ra sự thuần khiết giản dị thoát tục của manga Nhật, bóng màu đậm đà và tĩnh lặng trong màu dầu phương Tây, sự thanh thoát của trang phục tuổi Teen, cảm nhận tự do khoáng đạt về thời trang mới, nét tạo hình điển nhã trong balê và sự sừng sững chiếm lĩnh không gian của kiến trúc Bắc Âu. Về phương diện ngôn ngữ, truyện của cô có nét gần gũi và diễm tình của ca khúc thịnh hành, ý hồn và sự giản dị của thi ca, “ý tại ngôn ngoại” của đối thoại kinh điển trong điện ảnh và không gian rộng lớn cho tâm linh. Hầu như tất cả các loại hình văn hóa của lớp trẻ đều được thâu nạp trong Duyệt Nhiên, trở thành “tài nguyên” vô tận của cô. Và tài nguyên cộng đồng kinh qua lò luyện cá tính và thiên tư của Duyệt Nhiên đã đúc nên những nét nghệ thuật lung linh, rất riêng.
Sự độc đáo trong ngôn ngữ hẳn là một phần căn bản tạo nên giá trị của nhà văn . Thời đại của Trương Duyệt Nhiên tạo cho cô và những người cùng thời rất nhiều cơ hội. Cuộc sống mới mẻ muôn màu mở ra cho họ nhiều con đường vận dụng ngôn ngữ. Trách nhiệm của những nhà văn trẻ là nắm lấy cơ hội, lưu lại suy ngẫm của thế hệ và cống hiến cho sự phát triển ngôn ngữ. Trương Duyệt Nhiên đã có được sự khởi đầu tốt đẹp, tôi tin rằng cô sẽ đi tiếp theo con đường của mình. Có lẽ cũng không có gì phải nhắc nhở cô. Mỗi một thế hệ có phong cách riêng, và dáng vẻ riêng. Người biết cách dùng vẻ đẹp của riêng mình, phương cách của riêng mình lay động cảm xúc của mọi người dĩ nhiên sẽ thành công.