Đông Chu liệt quốc là bộ tiểu thuyết lịch sử gồm 108 hồi được Phùng Mộng Long cải biên từ bộ Liệt quốc chí truyện của Dư Thiệu Ngư.
Đông Chu liệt quốc được viết theo lối kể truyện chương, hồi theo phương pháp tự sự, ghi chép khá chân thực khoảng thời gian hơn 400 năm (thế kỷ VI, V, IV, III trước công nguyên), bắt đầu từ Tuyên Vương nhà Chu và kết thúc khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Đây là một đại truyện ghi lại một thế chiến toàn diện giữa các nước chư hầu trong một thời gian dài. Truyện tuy nói về nhà Chu nhưng kỳ thực nhà chép chuyện chỉ dựa vào thời gian đó đưa sự suy yếu của nhà Chu ra để ghi lại cuộc xâu xé giữa các chư hầu. Vì thế, việc tranh giành của các chư hầu là điểm mấu chốt trong truyện, cũng chính vì vậy mà tạo thành thế chiến quốc.
Có thể tạm chia thế chiến Đông Chu làm 5 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: Các chư hầu thi nhau uy hiếp nhà Chu, giành địa vị để củng cố thế lực của mình trong thiên hạ. Trong giai đoạn này, nước Trịnh đứng đầu là Trịnh Trang Công chiếm ưu thế hơn cả.
- Giai đoạn thứ 2: Kể từ khi Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng làm Tướng quốc với chính sách đối nội và đối ngoại hợp lý. Khi Quản Trọng chết, Tề Hoàn Công tự mãn sinh ra lười biếng, làm cho nước Tề suy yếu.
- Giai đoạn thứ 3: Mở đầu cho giai đoạn vũ lực, khắp chư hầu đều dùng tướng mạnh, các mưu thần trở thành phụ thuộc.
- Giai đoạn thứ 4: Là giai đoạn yếu tố vũ dũng lại phát triển thêm, không phải dùng vũ dũng cá nhân mà dùng vũ dũng tập thể.
- Giai đoạn thứ 5: Là giai đoạn cuối trong Đông Chu liệt quốc, các yếu tố vũ dũng không còn tồn tại mà nhường cho một cuộc chiến tranh gián điệp. Tần Thủy Hoàng đã nhờ chính sách gián điệp của Trương Nghi và Úy Liêu thôn tính sáu chư hầu, dựng lên nhà Tần.
Bộ truyện chia làm 2 tập:
- Tập I chia thành 55 hồi, dày 546 trang. Ở tập I, bằng ngòi bút miêu tả chân thực, tác giả đã ghi lại ba giai đoạn của thế chiến Đông Chu: các cuộc xâu xé của chư hầu, sự thịnh suy của các nước sau đó và bắt đầu giai đoạn vũ lực.
- Tập II chia thành 53 hồi, dày 834 trang. Tập này ghi lại một cách tỉ mỉ hai giai đoạn sau của thế chiến Đông Chu. Lúc này, yếu tố vũ dũng được sử dụng cao hơn. Và sau đó là việc Tần Thủy Hoàng sử dụng chiến tranh gián điệp để thống nhất Trung Hoa.
Đọc Đông Chu liệt quốc, độc giả sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt của tiểu thuyết này với những tiểu thuyết lịch sử cùng loại: Tác giả không dựa vào vận mệnh, cái “cơ trời” mà các pho truyện khác thường đặt vào để nói đến việc thịnh suy trong thiên hạ. Phùng Mộng Long đã vận dụng được sự tương quan giữa anh hùng và thời thế, đồng thời không siêu nhân hóa nhân vật để tạo nên những mẫu người toàn thiện, toàn mỹ hoặc toàn bạo, toàn ác. Bộ truyện còn bàn về những mẫu gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, trí, dũng của những người anh hùng trong thiên hạ. Một số nhân vật trong Ðông Chu liệt quốc được ngòi bút tác giả miêu tả rất sinh động. Ðọc Ðông Chu liệt quốc , không ai quên được những nhân vật như Quản Trọng, Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tín Lăng Quân, Ngũ Tử Tư, Phạm Lãi, Lạn Tương Như, Kinh Kha, Chuyên Chư, Nhiếp Chính... Chính trên cơ sở những mâu thuẫn gay gắt của những sự kiện chính trị lớn, tác giả đã khéo thông qua ngôn ngữ và hành động mà xây dựng nên hình tượng nghệ thuật những nhân vật điển hình đó.
Trong truyện, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn Công và Quảng Trọng là những đoạn hoạt khoái nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Những người anh hùng này từng có một sự nghiệp lẫy lừng nhưng lại có kết thúc thật bi thảm. Đông Chu liệt quốc đã xây dựng được những nhân vật bất hủ: mưu lược trùm đời như Quản Trọng, trí tuệ huyền thoại như Khổng Tử… hay những cái “họa đàn bà” như Bao Tự, Đắc Kỷ, Tây Thi, Hạ Cơ, Li Cơ.
Với những giá trị về lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc trong giai đoạn từ đời nhà Chu đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất giang sơn, Đông Chu liệt quốc và nhiều sự kiện, nhân vật của bộ truyện này đã được các đạo diễn khai thác trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình như: Đông Chu liệt quốc, Khổng Tử, Quản Trọng, Lã Bất Vi, Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha, Phù Sai, Tây Thi… Đông Chu liệt quốc còn được viết thành truyện tranh.