Giải thưởng văn chương của Hội Văn bút (PEN) Hoa Kỳ năm 2009 về thể loại sách phi hư cấu nghiên cứu.
Nằm trong danh sách 100 cuốn sách đáng nêu nhất trong năm 2008 của tạp chí New York Times.
“Ngày nay Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động di trú. Trong các nhà máy, nhà hàng, công trường xây dựng, thang máy, dịch vụ chuyển phát, dọn dẹp nhà cửa, chăm trẻ, nhặt rác, tiệm cắt tóc, và cả nhà thổ nữa, hầu hết mọi lao động đều là dân nông thôn gốc. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, người di trú chiếm khoảng một phần tư dân số, ở các thành phố công nghiệp miền Nam Trung Quốc, họ vận hành các dây chuyền lắp ráp của nền kinh tế xuất khẩu. Tổng cộng lại, họ tạo nên dòng người di cư lớn nhất trong lịch sử, gấp ba lần số người đã di cư từ châu Âu sang Mỹ trong suốt một thế kỷ.”
Leslie T. Chang, cựu phóng viên Wall Street Journal, viết những dòng trên vào tháng Ba năm 2006, khởi đầu cho cuốn sách về những lao động nữ người Trung Quốc ở miền Nam nước này. Các cô gái rời quê nhà, hòa mình vào thế giới công xưởng khắc nghiệt, nơi bạn thậm chí sẽ mất bạn trai chỉ vì đánh mất cái điện thoại, hoặc một chút kỹ năng sử dụng máy tính đủ đưa bạn lên một tầng lớp mới trong xã hội. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, họ đã nếm trải đủ mọi thành công cũng như thất bại cay đắng. Và vượt lên trên hầu hết các cuốn sách thời thượng về Trung Quốc khác, Gái công xưởng còn là bức tranh đầy thương cảm thiết tha, lưu lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về một lớp người đang tạo ra hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng cho cả thế giới. Ấn tượng đó đồng thời mang lại một cái nhìn hai chiều về nước Trung Quốc hiện nay: Sự thịnh vượng kinh tế cùng những cái giá phải trả.
***
“Mọi người thường hay hỏi tôi: “Phụ nữ Trung Quốc ngày nay như thế nào?” Thay cho câu trả lời, tôi sẽ giới thiệu với họ Gái công xưởng của Leslie T. Chang, một cuốn sách tuyệt vời. Những câu chuyện của các cô gái công xưởng không chỉ đầy mê hoặc, bi kịch và hứng khởi – những ví dụ thực thụ về sự bền bỉ, tính chịu đựng, và nỗi cô đơn.”
- Lisa See, tác giả Tuyết hoa và cây quạt bí mật
***
Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard chuyên ngành lịch sử và văn học Mỹ (1991), Leslie T. Chang đến Prague (CH Séc) làm phóng viên với mong muốn cưỡng lại sức hút của dòng máu Trung Quốc và nề nếp truyền thống của Trung Quốc mà chị mang trong mình. Nhưng với lợi thế biết tiếng Hoa, năm 1993 Chang được cử làm phóng viên cho tờ Wall Street Journal trong 10 năm tại Hồng Kông, Đài Loan và Bắc Kinh. Kết quả của quá trình ấy là tác phẩm đầu tay: Gái công xưởng.
Leslie T. Chang cũng cộng tác với tạp chí National Geographic. Hiện chị sống ở bang Colorado (Hoa Kỳ) với chồng là Peter Hessler, một cây bút cũng chuyên viết về Trung Quốc.