Hầu Phi Tâm Kế mở đầu trong chiến tích lẫy lừng trước đại bàng vàng xảo quyệt của con khỉ trẻ tuổi dũng mãnh Bão Điêu, đưa đến 13 năm trị vì bầy khỉ Bố Lãng – chưa từng có trong lịch sử - của nó. Cái chết của Bão Điêu cũng oanh liệt như sự lên ngôi năm nào. Bão Điêu chết, kéo theo cả người kế vị xứng đáng duy nhất của Bố Lãng. Sự tranh quyền đoạt vị giữa những con khỉ đực nổ ra và sau cùng là họa diệt vong. Cả bầy khỉ Bố Lãng bị thảm sát, chỉ còn lại “duy nhất một con khỉ cái trẻ và khỉ con ba tháng tuổi của nó là thoát khỏi kiếp nạn đó. Khỉ cái trẻ may mắn đó chính là góa phụ của vua khỉ già Bão Điêu - Phất Đầu Đỏ.”
“Bầy khỉ Bố Lãng đã bị hủy diệt rồi, đối với loài khỉ ăn lá có tập quán sinh sống theo bầy đàn mà nói, thì khi chỗ dựa sinh tồn đó không còn nữa, cảm giác khác nào như dân mất nước. Nước mất nhà tan, Phất Đầu Đỏ không còn cách nào tiếp tục ở lại trên vùng đất này nữa, đành ôm theo nỗi đau lòng và kí ức đau thương, bồng khỉ con Đít đỏ lưu lạc sang nơi đất khách quê người.
Tạm biệt, núi Bố Lãng sừng sững ngất trời. Tạm biệt, sông Lưu Sa cuồn cuộn.”
Cuộc đời của hai mẹ con Phất Đầu Đỏ rồi sẽ trôi về đâu?
…
Cuốn tiểu thuyết động vật Hầu Phi Tâm Kế được kể chân thực và sống động. Những nhân vật khỉ trong truyện đều được nhân cách hóa – Kể chuyện khỉ mà như đang nói chuyện người. Sự nhân cách hóa ấy lại không hoàn toàn là hư cấu bởi nó xuất phát từ chính những hành vi tập quán mang nét tương đồng với loài người của bầy khỉ ăn lá. Đó cũng chính là dụng ý của tác giả: “Khỉ ăn lá thuộc loài linh trưởng, con người cũng thuộc loài linh trưởng, vậy khỉ ăn lá chắc chắn có quan hệ thân thích với con người. Chúng ta nên đối đãi thân thiện với những vị có quan hệ thân thích này, đừng dùng xương của những vị có quan hệ thân thích đó để ngâm rượu, đừng đẩy những vị có quan hệ thân thích này tới chỗ vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống chúng ta. Đây là lương tri và đạo đức tối thiểu cần có đối với loài người chúng ta.”
Hầu Phi Tâm Kế không chỉ là một tiểu thuyết hấp dẫn li kỳ mà còn là một cuốn sách khoa học được kể một cách tài tình, giúp ta đến gần với loài khỉ ăn lá hơn, hiểu về chúng và đồng cảm với chúng một cách tự nhiên nhất.
Về tác giả
- Thẩm Thạch Khê tên thật là Thẩm Nhất Minh, sinh năm 1952 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
- Năm 1969, sau khi tốt nghiệp trung học, tác giả công tác tại Tấy Song Bản Nạp và sông 18 năm tại biên giới Vân Nam.
- Hiện nay tác giả đang là ủy viên Ủy ban văn học thiếu nhi Hiệp hội tác giả Trung Quốc, trợ lý Hiệp hội tác giả Thượng Hải.
- Các sáng tác chính là tiểu thuyết động vật.
- Đoạt các giải thưởng của Hiệp hội tác giả Trung Quốc như Giải thưởng văn học thiếu nhi xuất sắc toàn quốc, Giải thưởng sách Trung Quốc, Giả thưởng sáng tác văn học thiếu nhi mới Băng Tâm.
- Cuốn sách cùng tác giả: Chó ngao độ hồn – với 31 lần tái bản và gần 1 triệu bản được phát hành.
Trích đoạn sách hay
“...Nhìn thấy tai họa đang xảy ra trước mắt, chính vào cái lúc ngàn cân treo sợi tóc này, một con khỉ đực còn trẻ, giống như một cơn lốc màu đen, nhảy vọt lên từ trong hốc đá, đập thẳng vào con đại bàng hung hãn. Chỉ trong nháy mắt đúng vào lúc móng vuốt sắc nhọn như dao của đại bàng sắp đâm vào lưng khỉ con Misa, chú khỉ đực đó đã nhảy tót tới bên cạnh, thò một tay nhanh như chớp tóm lấy chân con đại bàng vàng có mưu đồ hành hung này, tay kia túm lấy cổ con đại bàng. Đại bàng hoảng sợ đập đập đôi cánh to lớn, cắp theo khỉ đực, bay lên trên không trung. Khả năng bay với tải trọng nặng của đại bàng thật đáng kinh ngạc, cắp thêm khỉ đực với trọng lượng mấy chục cân, càng lúc càng bay lên cao, xuyên qua cả đám mây, xuyên qua ánh nắng mặt trời, thành một đốm tròn nhỏ mơ hồ trên nền phông da trời màu xanh.
Tất cả các con khỉ ăn lá ở đó đều ngẩng đầu ngớ người nhìn theo. Đốm tròn nhỏ đó đột nhiên mỗi lúc một thấy to hơn, càng gần càng rõ, ooh, đại bàng vàng đang từ trên không trung rơi xuống rồi. Bầy khỉ nhìn thấy rất rõ, cái gáy của nó bị đau vì bị bẻ vẹo sang một bên rồi, nó kêu lên những tiếng quác quác thảm thiết, đôi cánh vẫy vẫy một cách khó nhọc, rồi cả người nó rơi theo hình xoắn ốc xuống khe núi. Quả nhiên, con đại bàng đã sức cùng lực kiệt rồi, cái gáy cũng bị bẻ vẹo đi, không chống đỡ được nữa rồi. Cuối cùng nó và khỉ đực cùng bị rơi xuống khe núi.
Đám đông bọn khỉ đều cho rằng khỉ đực trẻ đã hết đời cùng với con đại bàng đó rồi, lúc bầy khỉ từ trên vách núi đi xuống chân dốc, mới kinh ngạc phát hiện ra, con đại bàng vàng hung ác đã chết thẳng cẳng, còn khỉ đực trẻ thì vẫn sống sót một cách diệu kỳ. Điều làm cho bọn khỉ càng phục sát đất hơn nữa là, bốn chân của con khỉ trẻ không hề bị tổn thương, chỉ có bả vai phải của nó có mấy vết do móng vuốt của đại bàng cào vào đang rớm máu, nhưng không hề nghiêm trọng.
Khỉ ăn lá đen thuộc loài động vật ăn tạp, mặc dù chúng ăn chay là chính, nhưng cũng không loại trừ đồ ăn mặn mà chúng dễ dàng lấy được. Cả họ nhà khỉ cùng ùa tới, nhổ bỏ lông đại bàng, xé xác ăn thịt. Đại bàng vàng thuộc loài mãnh cầm cỡ lớn, trong chuỗi thức ăn giới tự nhiên, xếp ở hàng trên so với khỉ ăn lá. Nói một cách khác, khỉ ăn lá bị liệt vào trong thực đơn của đại bàng, đặc biệt là khỉ con, thường bị bọn đại bàng cắp đi. Khỉ ăn lá chỉ cần nhìn thấy bóng dáng đại bàng vàng trên không là đã bỏ chạy tán loạn, trốn vào trong hang đá hay bụi cây. Từ trước đến giờ đều là đại bàng vàng ăn thịt khỉ ăn lá, đến giờ mới thấy khỉ ăn lá ăn thịt đại bàng, điều này xem như là một việc lạ ngàn năm có một, bọn khỉ quả thật là được một phen hả lòng hả dạ.
Nghiễm nhiên, chú khỉ trẻ dũng cảm đó, đã trở thành một vị anh hùng huyền thoại, trở thành minh tinh sáng chói trong bầy khỉ Bố lãng. Nửa năm sau, khi vua khỉ lúc đó của bầy khỉ là Chapit đã lộ vẻ suy yếu khi đang gặm vỏ cây du đã bị văng mất hai cái răng cửa. Lẽ dĩ nhiên, khỉ đực trẻ trở thành vua khỉ mới của bầy khỉ Bố lãng, xưng danh là vua khỉ Bão Điêu.
Đây là một sự thay đổi thủ lĩnh bình lặng nhất trong lịch sử bầy khỉ Bố lãng, được xem như là điển hình cho hòa bình, còn mang theo một chút sắc thái hài hước. Khi Bão Điêu hùng dũng hiên ngang nhảy lên trước mặt Chapit, cái đuôi dài dài dựng thẳng đứng lên, cong cái mông đỏ au lên đầy vẻ kiêu ngạo, nhe răng trợn mắt gầm gừ mấy tiếng, khi nó thể hiện vài động tác theo kiểu khiêu chiến điển hình đó, dường như tất cả những con khỉ từ lớn đến nhỏ không ai bảo ai mà tự tụ tập sau lưng nó, kiểu “đồng tâm hiệp lực, cùng chống lại một kẻ thù chung”, nhắm vào vua khỉ Chapit kêu lên những tiếng x.u..y..y..xu..y xua đuổi. Chapit cũng rất biết thân biết phận, lập tức còng lưng nhún vai cúi đầu cụp đuôi, biểu thị vẻ khuất phục, ngoan ngoãn lùi vào trong góc.
Trước sự kỳ vọng của cả bầy, trong những tiếng hoan hô không ngớt, Bão Điêu đã bước lên ngai vàng vua khỉ.
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Nhoáng một cái đã mười ba...”
[...]
“Lại có một lần, trời mưa rất to, Phất Đầu Đỏ tìm thấy một cái hang ở lưng chừng núi, bèn chui vào tránh mưa, hang này rất sâu, ngoằn ngoèo, lại như ngửi thấy mùi tanh hôi của dã thú. Nó thận trọng hơn, nhặt một viên đá cỡ bằng nắm tay tại chỗ góc ngoặt, dùng sức đập vào vách đá, bi.i..n.h..tu..u.ng, trong hang đá phát ra tiếng vang rất lớn, tiếp sau đó, dưới đáy hang tối tăm truyền lại một tiếng gầm gào trầm thấp, liền đó ở cửa hang phát ra tia sáng yếu ớt, nó trông thấy, một búi lông đen trên chỏm tai, một con linh miêu với thân hình nhỏ hơn báo rừng một chút, nó đang quay người bò lại....Phất Đầu Đỏ bị dọa cho sợ khiếp vía, vội quay đầu chạy vọt ra khỏi hang, xuyên vào trong màn mưa trắng xóa, chân thấp chân cao bỏ chạy trên con đường rừng lầy lội. Thật may là trời mưa to quá, sấm chớp ùng oàng thật đáng sợ, thật may là con linh miêu này vừa chén một bữa no, bụng không đói, cũng không có hứng thú bắt mồi, nó đuổi đến cửa hang rồi thôi không đuổi nữa.
Linh miêu thuộc động vật họ mèo cỡ lớn, là tay sát thủ ăn thịt khỉ không chớp mắt, nếu không phải do Phất Đầu Đỏ cẩn thận hành sự thì nó và khỉ con Đít đỏ chắc chắn đã biến thành bữa ăn trưa miễn phí của Linh miêu rồi.
Trong rừng rậm, những loài như báo, chó sói, gấu đen, linh miêu, báo lửa, đại bàng vàng, trăn gấm, rắn hổ mang đều là những kẻ thù thiên nhiên của loài khỉ ăn lá. Một mình đơn độc muốn tồn tại trong vùng cây cối xanh tươi rậm rạp với bốn bề nguy hiểm mai phục này, quả thực không phải là một việc dễ dàng. Đối với loài động vật như khỉ ăn lá, đặc biệt là khỉ mẹ còn đèo bòng thêm khỉ con, muốn tiếp tục sống một cách an toàn, bắt buộc phải dựa vào một bầy đàn nào đó.
Không chỉ những vất vả trong cuộc mưu sinh, cũng không chỉ phải đối mặt với đầy rẫy những kẻ thù thiên nhiên rình rập, còn một điều đáng sợ hơn nữa đó là sự cô quạnh về tinh thần.
Khỉ ăn lá đen thuộc loài khỉ ăn lá phân họ khỉ ngón cái ngắn (tên khoa học: Colobinae), là loại động vật nương thân trên núi điển hình, thích sống tụ tập. Đặc biệt là khỉ cái, chúng có nỗi ám ảnh bầy đàn, cuộc sống lìa bầy đối với chúng chẳng khác nào như bị nung nấu trong ngọn lửa, dầu có chết đi cũng sẽ là những cô hồn lang thang, cô quạnh.
Phất Đầu Đỏ khao khát có thể tìm thấy một bầy khỉ ăn lá, nói một cách rõ hơn nữa, nó khát khao được trở về trạng thái quần cư, cuộc sống có chỗ dựa, tâm hồn có phần được an ủi, linh hồn có chỗ gửi thác.
Nó đau khổ nhớ nhung, dốc sức tìm kiếm, cố gắng chờ đợi.”