Trương Duyệt Nhiên từ lâu vốn đã khá quen thuộc với độc giả Việt Nam qua hai cuốn tiểu thuyết Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi và Anh đào xa tít tắp. Đọc Trương Duyệt Nhiên, người đọc khó mà tin được những gì thể hiện trên trang sách là của một cô gái chỉ mới qua tuổi hai mươi. Cô có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và đặc biệt, suy nghĩ của cô mang đậm tính chất triết lý nhân sinh. Biết nhiều, hiểu nhiều về truyện Trương Duyệt Nhiên như thế, nhưng thật khó để kìm nén những cảm xúc khi đọc tuyển tập truyện ngắn Mèo đen không ngủ, tập truyện mới nhất của cô. Xuyên suốt tập truyện Mèo đen không ngủ là cảm giác cô đơn. Dường như, những nhân vật trong truyện đang bị nhốt ở một ốc đảo không người. Chính vì thế, khi về với cộng đồng, họ khó có thể hòa nhập. Thư về nhà mùa đông là một bức tranh gia đình hạnh phúc. Ngôi nhà ấy rất đẹp bởi bàn tay tài giỏi, khéo léo của người cha. Thế nhưng mỗi thành viên trong gia đình lại ở một thế giới hoàn toàn khác nhau. Người cha có thể cho con gái tất cả nhưng cha luôn nợ con thời gian. Và con luôn muốn được đi cùng mẹ, dù bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì. Với Lụi tàn, cũng là sự cô đơn trong tình yêu. Hai người đều yêu nhau tha thiết. Thế nhưng vì một điều gì đó, họ không thể chia sẻ với nhau, ngay cả số nhà, số điện thoại cũng chẳng dám cho nhau. Họ chỉ biết dành trọn tình yêu của mình cho người kia, để rồi mãi đến khi một người ra đi, họ mới tìm thấy sự ấm áp nhờ vào linh cảm của tình yêu. Đọc Hoa hướng dương lạc lối năm 1890, người đọc cảm thấy xót xa cho những nhân vật trong truyện. Những người đàn bà, đó là bà phù thủy với y phục đen, đó là bông hoa hướng dương đẹp nhất trong vườn, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho tình yêu. Cũng như câu chuyện cổ tích Nàng tiên cá, bông hoa hướng dương muốn đến được với người mình yêu, chàng họa sĩ đã vẽ mình, bông hoa ấy đã cầu xin phép màu cho mình đôi chân. Không như nàng tiên cá có giọng nói hay để trao đổi, bông hoa đã trao sinh mạng của mình cho bà phù thủy để có được đôi chân. Toàn bộ truyện ngắn của Trương Duyệt Nhiên chỉ xoay quanh chủ đề về tình ruột thịt, tình bạn và tình yêu. Đó là những đề tài không mới nhưng qua ngòi bút của Trương Duyệt Nhiên, những câu chuyện này mang hương sắc mới. Tuy còn rất trẻ, nhưng suy nghĩ của cô sớm già dặn. Và điều đó cũng được thể hiện trong những câu chuyện về tình yêu. Tình yêu của cô là những cảnh diều lơ lửng bay lên từ một tâm hồn ngây thơ nhưng sớm già dặn. Tình yêu thành điểm tựa duy nhất. Sáng tác của cô đầy những ước mơ mà con người khó với tới. Thế nhưng, những ước mơ ấy luôn bền bỉ, dai dẳng. Tình yêu của cô đầy mộng mơ. Mà hiện thực thì lúc nào cũng ngăn trở những mơ mộng, thế nên những tình yêu đó khó thành. Những câu chuyện tình bao giờ cũng được xây dựng bằng một mở đầu rất đẹp. Những đôi tình nhân gặp khá nhiều trở ngại mới đến được với nhau nhưng rồi kết thúc lại rất buồn. Song, đó là mơ ước. Mà mơ ước thì không bao giờ tàn lụi. Con nguời muốn sống, không bao giờ có thể từ bỏ ước mơ. Là một người trẻ, Trương Duyệt Nhiên hiểu khá rõ những khao khát, những lo lắng mà giới trẻ đang phải trải qua. Và chính cô đã giúp họ nói lên những ước vọng mà họ đang mơ ước. họ cũng khát khao được sống, khát khao được thấu hiểu, được quan tâm, chăm sóc. Và quan trọng hơn cả, họ cần được học cách chăm sóc và che chở cho chính mình và cho những mơ ước của mình.