Bộ truyện Nhạc Phi thuộc vào loại giảng sử chép vào thời Thanh, thời kỳ suy vong của dân tộc Hán.
Cùng các loại giảng sử khác, mỗi thời kỳ đều có "diễn nghĩa" cả, cho nên bộ Nhạc Phi cũng cũng không ngoài khuôn sáo ấy.
Đặc biệt bộ Nhạc Phi là một áng văn đề cao anh hùng cứu quốc, mà người Trung Hoa rất sùng bái.
Ngay vị anh hùng cứu quốc Nhạc Phi đã được dân Trung Hoa tạc tượng và lập miếu thờ ngang hàng với Đức Khổng Tử.
Vì thế truyện Nhạc Phi có một giá trị tinh thần rất cao trong tâm não người Trung Hoa.
So với các nịnh thần từ xưa đến nay, có lẽ dân tộc Trung Hoa xem Tần Cối (Nhân vật trong truyện Nhạc Phi) là kẻ thù số một của dân tộc, tên bán nước nguy hiểm nhất. Cho nên trước mộ Nhạc Phi họ đã tạc hai hình nhơn của vợ chồng Tần Cối khoanh tay, cúi đầu tạ tội; kế bên đó có một cái dùi cho ai đến bái viếng mộ Nhạc Phi dùng cây dùi ấy đánh vào đầu tên bán nước họ Tần kia.
Nhưng người ta cũng cẩn thận hạn định, mỗi người chỉ được đánh ba cái gọi là tượng trưng thôi. Có lẽ người ta sợ ông du khách nào quá nóng tánh sẽ đánh tung cả tượng đá và làm gãy dùi đi chăng?
Lòng ái quốc của dân Trung Hoa lúc bấy giờ gồm cả vào tinh thần và hành động của Nhạc Phi như một vị anh hùng dân tộc.
Tư tưởng ấy xét không phải là không đáng kính, bởi vì dân tộc văn minh nhất trên đất Trung Hoa là dân tộc Hán, bấy giờ bị một bộ lạc người Kim khống chế dưới gót sắt xâm lược, xem dân tộc như một giống người nô lệ.
Bao năm vùng vẫy, bao năm bị thất bại, dân chúng càng điêu linh. Vua Cao nhà Tống chẳng khác một kẻ tay sai cho ngoại bang, triều thần toàn là những tên vô dụng thối nát, cúi đầu cung phụng kẻ địch, bức hiếp chà đạp sinh linh. Dân chúng có miệng không dám nói, có mắt không dám nhìn.
Trong lúc đó, Nhạc Phi một anh hùng dân tộc đứng ra cứu nước, trên thờ vua dưới thương dân, nỗ lực chống lại quân xâm lăng cứu nước.
Một trung thần như vậy làm sao dân tộc Trung Hoa không yêu mến tôn thờ?
Xin trân trọng giới thiệu!