Độc giả Việt Nam dẫu hưởng ứng nền văn hóa Tây phương, nhưng xét kỹ vẫn mặn mà với "truyện Tàu" hơn. Những truyện đó in đi in lại nhiều lần mà lúc nào cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, bao nhiêu sách in ra đều bán sạch. Cuốn TÁI SANH DUYÊN - còn có tựa phụ là "Sự Tích Mạnh Lệ Quân" - do Nguyễn Đỗ Mục biên dịch có thể coi là một cuốn tiêu biểu, không những đã làm say mê nhiều người đọc, mà sau đó còn trở thành nguồn cảm hứng cho bao nhiêu vở diễn hát bội, cải lương...
Lồng trong một cốt truyện ly kỳ có tính cách duy mỹ là những ý nghĩa giáo dục rất rõ nét, "công khai": đề cao, ca ngợi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống - lòng hiếu thảo, tình vợ chồng chung thủy, tình bằng hữu vô vị lợi, tình cảm anh em thắm thiết; mặt khác chống đối, lên án những hành vi, thái độ xấu xa đi ngược lại những truyền thống đạo đức tốt đẹp - lòng phản trắc, tâm địa độc ác, thói giả nhân giả nghĩa... Mặc dù những biểu hiện tình cảm, ý thức nhiều chỗ không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhưng nhìn chung vẫn còn làm cho chúng ta rung động, cảm kích, chia sẻ và thông cảm sâu xa với tâm tình, cảm xúc của nhân vật đồng thời khơi dậy trong ta lòng yêu ghét rạch ròi cũng như tình cảm hướng thiện cao đẹp.
Câu chuyện củng cố một chân lý muôn đời: cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, người tốt sẽ được bảo vệ, kẻ xấu cuối cùng sẽ không đạt được mục đích thấp hèn dù có gian manh, xảo trá đến bao nhiêu đi nữa. Kết thúc theo lối có hậu cổ điển tuy không gây bất ngờ, nhưng lại đem đến cho người đọc niềm hân hoan sảng khoái, gợi lên trong lòng chúng ta niềm tin yêu cuộc sống.
Xin trân trọng giới thiệu!