Trương Duy là một tài văn nở sớm, tài năng của anh được ươm mầm từ tuổi thơ dữ dội với người cha từng bị đấu tố và luôn đắm chìm trong men rượu khi mà người mẹ của cậu cũng vì thời cuộc loạn lạc rồi bỏ cha con cậu mà đi. Ngỡ rằng theo học trường đại học danh tiếng Phương Bắc thì tài năng cùng phẩm hạnh của Trương Duy sẽ sớm đơm hoa kết trái. Ấy vậy mà trường đại học với phương pháp giảng dạy cùng các trang giáo án cũ kĩ không làm dịu được lý tưởng mạnh mẽ của Trương Duy. Chán ngán, thất vọng. Cậu khiêu chiến với tất cả, từ những giảng viên lỗi lạc tới những sinh viên ưu tú của trường. Cậu sinh ra đã như là dấu đối lập với trường lớp, với cuộc sống hiện thực, với những giá trị vật chất tầm thường.
Trương Duy điển hình cho một thế hệ nhỏ thanh niên thức thời lúc bấy giờ, những con người đã chán chường với một Trung Quốc cổ hủ. Họ muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa, mong vượt qua nó - những rào cản của giáo điều khuôn mẫu, một cuộc sống tôn thờ vật chất hòng đạt được sự tự do tuyệt đối như những bậc hiền triết nhưng không còn cách nào khác phải đối mặt với cuộc sống trần trụi khắc nghiệt…
Tác phẩm của Từ Triệu Thọ là tấm gương phản ánh chân thực những trăn trở của thế hệ trẻ mới bước vào cuộc sống. Bên cạnh nỗ lực thể hiện đời sống đầy những lo toan bộn bề công việc và con đường phía trước của người cùng thế hệ, trang viết của anh còn là thao thức không ngừng về tình yêu, lẽ sống, về những lí do khiến con người tha thiết tồn tại trên cõi đời.
Từng nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết Nhật ký phi thường, Sinh năm 1980, Tình ảo, và hiện nay là Tình yêu phi thường thực ra cũng vẫn là một tiểu thuyết nêu vấn đề, trong đó có nói về tín ngưỡng của thanh niên. Với hy vọng “những thanh niên đã từng có suy nghĩ tự tử đọc nó, chỉ cần ngăn được việc họ tự tử là tôi đã thấy thỏa mãn rồi”, tác giả mong ước rằng mình đã làm được một “việc tốt” khi sống trên cộc đời.