Bộ tiểu thuyết thần thoại “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân ra đời vào thế kỷ XVI. Sau mấy trăm năm lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tôn ngộ Không, nhân vật chính trong câu chuyện đã trở thành một hình tượng anh hùng được nhiều thế hệ người đọc yêu thích, đặc biệt là các em nhỏ.
Câu chuyện Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh chỉ là một trong “81 nạn” trên đường sang Tây Trúc của thầy trò Đường Tăng. Con yêu tinh Bạch Cốt Tinh muốn ăn thịt Đường Tăng. Vì sợ Tôn Ngộ Không, nó phải biến hoá thành người để đánh lừa, nhưng đều bị Tôn Ngộ Không phát hiện ra được. Sau rốt, Đường Tăng mắc mưu ly gián của nó, đuổi Tôn Ngộ Không đi, vì thế đã rơi vào tay Bạch Cốt Tinh, suýt bị mất mạng. Trước sự thật hiển hiện đó Đường Tăng hối hận vì đã đuổi Tôn Ngộ Không. Nhưng cũng chính lúc ấy, Ngộ Không đã kịp thời đến giải cứu. Câu chuyện này cho ta bài học thấm thía là: Cần nhận rõ phải trái, phân biệt thật giả và không phải đối với bất cứ kẻ nào cũng có thể khoan hồng từ bi.
Tập truyện tranh “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” này áp dụng lối vẽ truyền thống của tranh Trung Quốc, từ bố cục tạo hình hay cảnh vật đều mang đặc điểm của lối hoạ dân tộc. Những nhân vật trong truyện như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh đều không phải là người, tác giả đã nhân vật hoá họ, song vẫn giữ những đặc trưng riêng về hình thể và tính cách của mỗi nhân vật. Hoạ sĩ không vẽ Bạch Cốt Tinh thành một bội xương khô, mà cho nó mang hình dáng của một cô gái, không những giúp minh hoạ truyện hài hoà đẹp mắt, mà còn cho ta thấy cái lốt giả dối bề ngoài cuả nhân vật, từ cặp mắt đến động tác đều bộc lộ cái bản chất xảo quyệt và tính hung ác của loài yêu quái. Cách xử lý như vậy cũng là một trong những đặc trưng của nền hội hoạ Trung Quốc, góp phần tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn cho tập truyện tranh này.