...Nhưng nhiều lúc tôi cứ vơ vẩn nghĩ, thơ Mai Văn Phấn không có những năm tự “lột xác” để chui ra khỏi cái vỏ cứng của truyền thống, vần điệu, nhuyễn và hồn nhiên đến thơ ngây như chính anh giai đoạn 1995 về trước, và nhiều người khác nữa hiện nay vẫn còn say sưa với cách viết vần điệu, giảng giải, nói thay bạn đọc, thì thi đàn Việt Nam hiện đại liệu có một giọng thơ Mai Văn Phấn riêng biệt và khá độc đáo như hiện nay. Là người được Mai Văn Phấn tặng gần như đủ 10 tập thơ của anh, từ tập đầu “Giọt nắng”đến tập mới nhất “Thơ tuyển Mai Văn Phấn”, tôi vẫn nghĩ có những năm dò dẫm tìm đường “chui ra cái vỏ cứng” của truyền thống, vần điệu, dẫu có thành công, thất bại, thậm chí làm không ít người đọc đã quen với thơ có vần, thơ đọc không cần nghĩ, thơ ngâm ngợi cho vui, không những quay lưng lại với thơ Mai Văn Phấn, mà còn chê bai thơ anh đủ điều, như tôi vừa nhắc đến trường hợp bài “Thuốc đắng”, và rộng ra là cả những nhà thơ dám mạnh dạn đi vào cách tân thơ như Mai Văn Phấn. Cuộc tìm đường, “lột xác” suốt mấy năm cuối thập niên 90 thế kỷ 20 của Mai Văn Phấn dẫu có đớn đau, nhưng là sự đớn đau sinh nở, thoát khỏi đường mòn của thơ ca để có một giọng thơ, một khoảng trời thơ Mai Văn Phấn như người yêu thơ đích thực đã thấy trong những năm đầu thập niên thứ nhất thế kỷ 21 này, với rất nhiều bài đọc rồi còn muốn đọc nữa, mà tôi xin mạn phép trích ra đây khổ mở đầu của Nhịp 6 trong bài thơ dài “Hình đám cỏ”được viết theo lối chương hồi với 9 nhịp thơ cấu trúc khác nhau, đọc vẫn thấy nhuyễn, hiện đại và truyền thống như quyện vào nhau hồn nhiên, giản dị: “Hôn em hút hết bóng đêm/ Vừa nứt trái cây chín rục/ Cây trúc cây tre thêm đốt/ Đống lửa bùng lên bởi những que cời/ Một con còng trước bình minh lột xác”.
Khép lại vài ý kiến tản mạn của mình, tôi chỉ muốn nói rằng, 20 năm đọc thơ, dõi theo con đường thơ Mai Văn Phấn, điều tôi nhận ra ở nhà thơ đầy năng động này là một bản lĩnh sáng tạo luôn kiên định con đường mình đi, dù biết trước là đầy chông gai, đau đớn và cả tai tiếng, nhưng đấy đích thực là con đường của riêng mình, khoảng trời của riêng mình, để từ đấy có thể góp được cái gì đó vào bầu trời cao xanh vời vợi của muôn loài. Mai Văn Phấn dường như sinh ra là để năng động và sáng tạo, sáng tạo không ngừng, con người hiện thân của sự sáng tạo! Chính anh trong cuộc trò chuyện mới rồi cũng nói với tôi, dẫu đã in thơ tuyển, nhưng con đường sáng tạo vẫn luôn ở phía trước, bài thơ mới vẫn ở phía chân trời!
(Cao Năm)