Không thể hiểu hết nỗ lực của Mai Văn Phấn, nếu không đặt anh và sáng tác của anh vào môi trường xã hội và môi trường thơ hiện đại miền Bắc. Không phải trong thời gian dài sự sáng tạo và thưởng thức thơ ấy bị bó hẹp bởi khuôn phép hệ mĩ học hiện thực xã hội mà đúng hơn, bởi chính quan niệm mang tính phổ quát của người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là thơ ca, nó đòi hỏi sự trau chuốt kĩ lưỡng ở ngôn từ, chặt chẽ của tứ thơ, ý thơ cần đẹp, thi ảnh chọn lọc, giọng điệu phải nên thơ. Phá cách tới đâu, người làm thơ cũng chỉ dừng lại ở Đặng Đình Hưng, Lê Đạt hay Dương Tường. Có vậy thôi mà cũng đã chịu bao hệ lụy.
Nghĩa là thơ vẫn cứ phải nên thơ. Và mọi người chấp nhận kêu nó là thơ. Sự thể không có gì sai cả.
Ở miền Nam thì khác. Mười năm sau đất nước nhập một, cả khu vực rộng lớn này hầu như không nẩy nòi một thi sĩ xứng danh nào. Mãi mở cửa cởi trói, các thi sĩ miền Nam mới rục rịch làm thơ trở lại, tìm mọi cách ấn hành để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng trở lại. Ở đó, họ đã tiếp nhận nhiều truyền thống khác lạ. Thơ Tự do, đi trước họ là mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,... Hậu hiện đại sơ kì, họ có một Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuồn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; một Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận; đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn cứ thích. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, họ có Nguyễn Đức Sơn ở sau lưng. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ... Nghĩa là không thiếu bất kì thứ gì thế giới ngoài kia có. Quan trọng không kém: các bộ phân công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật.
Người làm thơ miền Bắc trong đó có Mai Văn Phấn, có thể cũng đã ít nhiều biết đến nó, nhưng họ không may mắn [hay rủi ro] cư ngụ trọng khí quyển văn chương, thừa hưởng tinh thần nền thơ kia. Đổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Nhưng mới, khác thế nào?
Đổi mới, rất nhiều nhà thơ chạy tìm náo thân chốn báo chí, và đã không ít nhà thơ đào bới hay tìm lối thoát vô vọng trong vũng lầy của các thành tựu trước đó, Mai Văn Phấn là một trong rất hiếm hoi thi sĩ tự giải thoát được mình.
(theo Inrasara)