Là người có được cơ duyên đọc khá nhiều thơ Hải, gần như toàn bộ, qua chừng ấy năm, tôi nhận ra sự dấn thân vào thơ ngày một say đắm hơn và sự cách tân quyết liệt của Hải trên hành trình “vác thánh giá”. Có cảm tưởng, mỗi chữ Hải viết ra bây giờ đều phải đi qua biển lớn của sự trăn trở, và khi hoàn tất một bài thơ, anh bạn trẻ hiền lành của tôi chắc không còn đủ hơi để thở.
Sự cách tân, quyết liệt đổi mới chính mình ở Hải vẫn còn “đang chạy trên đường”. Và chúng ta, còn phải kiên nhẫn chờ xem Hải sẽ chọn điểm đến là đâu.
Tôi thuộc tạng không thích loại thơ “như được khái quát từ châm ngôn, diễn giải từ lời hay ý đẹp”, lại càng không thích loại thơ mà khi đọc xong chỉ nhớ được ý chứ không nhớ được lời. Nói cách khác, tôi thuộc tạng không thích loại thơ thiên về lý tính.
Trào lưu viết “cho ra vẻ hiện đại” đang bành trướng, thơ “có vẻ hiện đại” cũng bùng nổ theo, dẫn đến thực trạng nếu che tên của tác giả đi, khó đoán định được đó là thơ của ai, thậm chí còn không biết đó có phải là thơ Việt hay là thơ được dịch sang tiếng Việt! Thơ nặng về lý tính có sức thuyết phục nhanh, nhưng khó buộc người đọc thuộc lòng vài ba câu... Đó chính là điều người viết thể loại này cần phải vượt thoát. Mà muốn vượt thoát, người viết cần đạt cho được một chân dung của riêng mình. Chân dung ấy được người đọc gọi tên bằng sự đồng cảm.
Rất may, thơ Hải bây giờ, cụ thể là những bài thơ trong tập thơ này, vẫn còn giữ được nhạc tính cần có của thơ Việt. Quan trọng hơn, vẫn là cái cảm và cái nghĩ của một người Việt; cho dù còn có những hình tượng, những ẩn dụ buộc người đọc phải lý giải trước rồi mới cảm nhận sau, nhưng đã giấu được khá khéo léo những kỹ thuật đạo diễn ngôn từ.
Hải đang chấp nhận đi trên dây xiếc để tìm đến cái Đẹp - phải bản lĩnh lắm mới không bị té về bên này là vực sâu lô nhô rối rắm chữ nghĩa, không bị té về bên kia là biển mênh mông dã tràng đồng phục...
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu