Nói “đón đầu” là cách diễn đạt sự chờ mong ngày phát hành tập thơ chấm (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) của Nguyễn Ngọc Tư trong nay mai. Bởi khi độc giả đọc những dòng này trên báo thì sách vừa in xong ở Hà Nội, chờ nộp lưu chiểu, chuyển vào Sài Gòn, chắc mươi ngày nửa tháng mới ra đến nhà sách.
Thêm nữa, sự “đón đầu” này cũng là chờ mong điều gì đó vừa bất ngờ, vừa không, bởi tâm thế của Nguyễn Ngọc Tư trong lòng bạn đọc bây chừ khác hẳn lúc chưa xuất bản Cánh đồng bất tận.
Bất ngờ vì duyên cớ nào mà một cây bút đang thành công với văn xuôi lại “lấn sân” qua thơ, trong khi nhiều cây bút khác (như Nguyễn Nhật Ánh) từng có duyên với thơ lại “nghiêng người nhiều hơn” qua văn xuôi. Trả lời nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim, Tư nói: “Tui lấn sân tí thôi mà!”
Còn không bất ngờ là vì Tư thiết tha với thơ từ nhỏ, thơ đã chảy trong máu rồi. Bối cảnh sống của Tư là những điệu buồn, nơi câu ca bài lý “đã tải” thơ trĩu nặng; cha của Tư là một thi sĩ thầm lặng. Mới đây, trên blog của mình, Tư viết: “Cuốn sách đầu tiên và (chắc là) cuối cùng của riêng mình tía. Cuốn sách mình phải làm từ a tới á vì tía không tha thiết, cứ nói thời bây giờ có ai đọc thơ đâu mà in”. Đó là tập Sông trắng của Nguyễn Thái Thuận, với bìa tim tím, chở nước màu trắng và những đốm bèo xanh, rồi bóng cây trơ trụi lá – cũng là một nỗi buồn lặng, buồn miên man, và buồn trơ, khá giống tâm cảnh trong nhiều tản văn buồn của Nguyễn Ngọc Tư.
Còn không bất ngờ là ở điểm này, và có lẽ quan trọng nhất: thơ bây giờ có ai thật sự đọc? Nên việc Tư in thơ, rất có thể sẽ bán được nhiều hơn vô số tập thơ khác, nhưng chưa chắc người ta mua vì thơ, mà có thể vì cái tên. Mà cũng chưa chắc vì cái tên, có khi vì “đón đầu” tính bất ngờ nào đó, họ đã từng bất ngờ sau sự cố nhạy cảm từ Cánh đồng bất tận. Bởi đọc thơ, dù chẳng có gì khó, nhưng cũng chẳng phải dễ, vì tâm trạng thơ thường cô độc, nên người đọc thời chuộng giải trí tức thời như hôm nay khó tìm sự đồng cảm. Hơn nữa, nếu văn xuôi có tính hướng ngoại, thích giãi bày (nên dễ gần), thì thơ thường hướng nội, thích cô đọng (xa cách cũng là đương nhiên). Tự tình thơ thường là chuyện của những “người lẻ” (chữ của Tư).
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (bút danh Tuy Hoà) thì Nguyễn Ngọc Tư đến với thơ khá muộn: “Cuối năm 2008, sau khi phát hành cuốn Gió lẻ và những truyện ngắn khác với số lượng khá lớn, Nguyễn Ngọc Tư bảo: “Sắp tới tui sẽ chuyển qua làm thơ!” Tôi cứ nghĩ cô bạn chỉ doạ mình cho vui. Ai ngờ, ít lâu sau, thấy tôi trên mạng, Nguyễn Ngọc Tư chat ngay một câu mừng rỡ: “Ông ơi, hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời tui. Tui có một bài thơ in báo rồi. Ha ha ha…” Chính vì sự háo hức và có nền tảng tâm tư dài lâu như vậy mà Tư không làm thơ cho “đủ bộ môn”.
Vậy thơ của Tư có độc đáo không? Từ con mắt người làm thơ, tôi nghĩ là không.
Vậy thơ của Tư có hay không? Tôi nghĩ là khó trả lời rốt ráo, tuỳ điểm nhìn.
Vậy thơ của Tư có gì? Tôi nghĩ rõ ràng nhất là ý thức làm thơ và sự rung cảm mãnh liệt. Nhưng ở đây tôi không đề cập đến sự rung cảm, vốn khó định tính, dù bản thân thấy rõ nó trong những bài như ở trọ, một bài lạc, nghĩ quanh từ điển, nhật ký mang thai – tháng thứ 5, hát tặng chia lìa, bài tập tả đôi tay… (trong sách, không viết hoa chữ đầu tiên của tựa đề).
Theo bản thảo gồm 40 bài, Tư đã chọn thơ tự do để viết, trong khi lục bát thì chảy tràn trong thơ ca Việt Nam, và rõ rệt trong điệu lý, hò vè, đờn ca tài tử vùng đất Nam bộ. Chỉ hai bài có dấu chấm, hạn chế tối đa dấu phẩy, còn lại là “suôn đuột”, không viết hoa chữ đầu câu, kết thúc bài cũng không dấu chấm. Gần như vạn bất đắc dĩ, Tư mới viết hoa danh từ riêng, còn tên của mình cũng viết bình thường; phía xuất bản cũng trình bày đúng như vậy. Nếu không có chủ đích từ đầu, tập thơ sẽ khó nhất quán về không khí tự do và phóng khoáng như vậy.
Sau một hồi chọn đề cùng Nhã Nam, cuối cùng Tư chọn chấm (cũng viết thường), nó càng tỏ rõ ý thức cầm bút của tác giả. Dường như sau nhiều năm vo mình vào chấm phẩy của câu văn, Tư muốn “thả trôi” tự do trong dòng chữ ngập ngừng, rơi rớt và đầy ngẫu hứng của thơ.
Lý Đợi