Cuốn sách này gồm 5 chương: Dân chủ và vốn xã hội; Về văn hóa và tính cách Việt; Khoa học và nghệ thuật, Nghĩ về thơ và cuối cùng là Đoản ngôn. Trong phần phụ lục của sách, độc giả có thể tiếp cận những bài viết xúc động của bạn văn, thơ dành cho ông, trong đó có cả bức thư cảm động cô con gái Đào Phương Liên gửi cho bố mình trước khi tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vốn được bạn bè đánh giá là một người thích nói, nhiều ý nhưng lại rất kiệm lời, đọc cuốn sách mới nhất của Lê Đạt càng dễ nhận thấy ông rất kiệm cả chữ khi bàn đến những vấn đề lớn. Tuy vậy, lối viết trong sáng, giản dị của ông khiến người đọc khó dứt khỏi dòng suy nghĩ.
Bàn đến chuyện hội nhập văn hóa, về bản sắc dân tộc và cuộc giằng co truyền thống hay hiện đại, ông không lên gân, không hô hào mà viết rất chặt chẽ, thuyết phục và khoa học. Khi bàn đến thơ, một cái nghiệp đã vận vào ông, dù thừa nhận làm thơ ca là một cái nghề nhọc nhằn, nhưng "phu chữ" vẫn thể hiện đam mê không bao giờ dứt. "Nghĩ về thơ" với ông vừa thật đơn giản nhưng cũng thật sâu xa, ví dụ Lê Đạt dùng hai câu thơ của Mạnh Hạo Nhiên: "Dạ lai phong vũ thanh. Hoa lạc tri đa thiểu" (Đêm qua tiếng gió mưa. Hoa rụng nhiều hay ít) để nói về thế nào là thơ hay: "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện..."
Vận dụng khá nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo và lịch sử vào trang viết, Lê Đạt không gây cảm giác xa lạ mà trái lại khiến người đọc thích thú như đang được trò chuyện với một con người khiêm tốn.