Đười Ươi Chân Kinh là tinh tuyển đầu tiên của Bùi Giáng, được tuyển chọn từ kho tác phẩm đồ sộ đã xuất bản của ông, trong đó có một số tác phẩm từ lâu đã tuyệt bản. Cuốn tinh tuyển này là nơi bạn có thể yên tâm lật giở để thưởng thức “đười ươi thi sĩ”, tức Bùi Giáng, một huyền-thoại-sống đúng nghĩa.
Về tác giả:
Sinh năm 1926, mất năm 1998, trong hơn 70 năm cuộc đời mình, Bùi Giáng vừa là một nhà thơ với bút lực phi thường, “vô tiền khoáng hậu”, vừa là một dịch giả và là nhà phê bình văn học. Hơn tất cả những thi sĩ miền Nam đương thời khác, Bùi Giáng có được cái may mắn không đứt đoạn qua cái mốc 1975 lịch sử. Sau 1975, ông vẫn liên tiếp tái bản được thơ và sách dịch. Thêm vào đó, các sáng tác mới của ông vẫn được in ở hải ngoại như Thơ Bùi Giáng (Việt Thường,1990), Thơ Bùi Giáng (Thế Kỷ, 1994), Bùi Giáng 1994 (California, 1995)… Ngoài ra, sau khi ông mất, một lượng di cảo thơ khổng lồ đã lần lượt được xuất bản, biến Bùi Giáng thành tác giả không bao giờ vắng bóng trên các kệ sách, với một số lượng tác phẩm luôn ở mức độ áp chế độc giả. Đó là chưa kể đến một dịch phẩm như Hoàng Tử Bé, không ngừng được in đi in lại, và cho tới năm 2011 này, vẫn còn được trao giải thưởng!
Có thể nói, cái danh tiếng và mức độ ảnh hưởng của Bùi Giáng không ngừng tăng lên với thời gian. Thơ ông được phổ nhạc từ một câu (“Còn hai con mắt khóc người một con” trong “Con mắt còn lại” của Trịnh Công Sơn) cho tới cả bài (“Gái lội qua khe” tức “Tục ca 3” của Phạm Duy)… và bây giờ còn tiếp tục được phổ nhạc nhiều bài... Nhiều nhà thơ, già có trẻ có, hoặc thú nhận hoặc không, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng thơ của “đười ươi thi sĩ”. Thơ Bùi Giáng được trích dẫn nhiều, truyền khẩu nhiều, đặc biệt ở cấp độ câu, đến mức có thể nói khó truy tung được nguồn gốc… Nếu lập fan club, Bùi Giáng có lẽ sẽ có một ưu thế lớn hơn rất nhiều so với các thi nhân khác: lượng fan hâm mộ ông hẳn không nhỏ, đặc biệt là số lượng fan “cuồng”. Ở một mức độ nào đó, Bùi Giáng đã thành một truyền thuyết – thật là hợp với cuộc đời kỳ lạ vô tiền khoáng hậu của ông – đến mức Nguyễn Huy Thiệp, trong một sáng tác không xuất bản chính thức, còn mật danh Bùi Giáng là Bùi Lão Đại Điên Kỳ Hiệp!