Nhìn hình thức bề ngoài thì tục ngữ chỉ là những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ, được dùng như lời ăn tiếng nói giao tiếp hàng ngày, rất ngắn gọn xúc tích, có vần điệu và nhịp điệu. Nhưng đằng sau mỗi câu tục ngữ ngắn gọn ấy là những nội dung vô cùng rộng lớn, sâu sắc về tự nhiên, xã hội, chứa đựng các tầng lớp văn hóa, đậm sắc thái nhân văn được truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ vùng này sang vùng khác. Khảo sát tục ngữ, ta thấy hầu như câu tục ngữ nào cũng mang hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp từ bản thân sự vật, hiện tượng toát lên, còn nghĩa bóng là nghĩa mở rộng ý nghĩa của sự vật, hiện tượng ấy sang sự vật, hiện tượng khác. Bản thân tục ngữ là rất đa nghĩa, đa cách hiểu, thậm chí có nhiều câu khó giải thích cho đúng nghĩa. Tục ngữ tuy là lời ăn tiếng nói hằng ngày nhưng vận dụng nó sao cho đúng văn cảnh lại là vấn đề phức tạp. Không phải ai dùng tục ngữ cũng hiều hết các câu mà mình đã dùng.
Để giải nghĩa Tục ngữ không thể hiểu theo nghĩa đơn thuần là giải nghĩa từ, công việc ấy là của các nhà từ điển học. Giải nghĩa Tục ngữ cũng không phải là cách làm suy luận câu chữ, diễn giải theo cách kể chuyện để bình tán dài dòng. Tục ngữ chỉ là ký tự ngôn ngữ ngắn gọn, dùng lời nói ví von ẩn dụ từ một nghĩa thật mà suy ra được nhiều nghĩa bóng, từ một nghĩa về loài vật hoặc đồ dùng, hiện tượng tự nhiên nào đấy mà rút ra được bao nhiêu bài học về đạo lý, đạo đức nhân sinh. Có thể nói rằng bất kỳ một câu Tục ngữ nào cũng chứa đựng nội dung nhận thức sâu sắc và đi liền với nội dung ấy là những bài học kinh nghiệm rút ra để răn dạy người đời. Vì vậy, giải nghĩa tục ngữ chính là phải giải nghĩa được nghĩa đen, tức là nghĩa thật của vỏ ngôn ngữ và phải giải nghĩa được các nghĩa bóng mang tính nhận thức, những bài học giáo dục răn đe...