Với tôi, nỗi cô đơn trong thơ Cao Thoại Châu - dù là thơ của ba bốn mươi năm trước hay ngay cả những bài thơ anh viết gần đây - luôn không bủa vây cái thằng người bằng sương đùn khói dựng mù chong, mà bằng nét âm thầm cô lẻ của một đóa hoa dại nằm đâu đó ngẫu nhiên với đời, trên một lưng chừng dốc đồi nào đó ở quê tôi. Những câu thơ tụng ca niềm vi diệu của cô đơn qua màu hoa rất “dại” của sự âm thầm nhưng cũng rất mặc nhiên không che giấu trong chính bản thân mình một niềm kiêu hãnh - niềm kiêu hãnh của cô đơn.
Sau này, thân với nhau, tôi hiểu và lý giải được đôi phần cái màu “dại” của riêng anh và cả lý do vì sao anh có thể có được niềm vi diệu ấy trong những lời thơ viết về cái tôi-một-mình-âm-thầm giữa mênh-mông-đời-một-cõi. Tự thân, có lẽ anh luôn ý thức và bằng lòng với cái màu “dại” ấy ở mình. Anh có nụ cười rất tươi nhưng nụ cười tươi ấy cũng vẫn lộ nét cô đơn. Anh ngồi giữa bạn bè, nói chuyện tếu hay pha trò, nét cô đơn ấy cũng không chịu đi chơi chỗ khác. Và nhất là, dáng anh đi giữa Sài Gòn chật chội mới lộ rõ từng bước bình thản của sự cô đơn... Ở đâu và lúc nào, anh cũng vậy.
Cô đơn, căn bệnh mãn tính trong đời & thơ Cao Thoại Châu là nỗi cô đơn làm nên những thi vị ý nghĩa không phải cho bản thân anh nữa, mà là cho những người thích đọc thơ anh và hiếm hoi những người anh xem là bạn. Và tôi biết, anh không có bạn thiết.
Em không uống nên có ta lẻ bạn / vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông / rượu đã hết hay mắt ta vừa cạn / hay hồn ta rung chuyển đến tang thương / ... / Có ta trong một toa tàu trắng / tỉnh rượu nằm nô rỡn một mình / có em còn đứng sau khung kính / có nỗi buồn gửi một toa riêng... Hai anh em ít có dịp gặp nhau, lần nào cũng vậy, khi chia tay, trong tôi những lời thơ ấy lại dội về, tôi lại thấy tôi thời mới lớn “trong một toa tàu trắng” và thấy cả “nỗi buồn gửi một toa riêng” của anh vẫn y nguyên như thế từ đó tới giờ.
Nguyễn Liên Châu