Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, là một nhà thơ, nhà quân sự và nhà kinh tế lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Ông là con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh ra ở Quỳnh Côi, Thái Bình. Ngay từ thời tuổi trẻ hàn vi ông đã nuôi lí tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Sau ba lần đi thi, năm 1820, khi đã 42 tuổi, Nguyễn Công Trứ mới đỗ Giải nguyên, và từ đó bắt đầu con đường công danh đầy sóng gió, với rất nhiều những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng quan thưởng tước nhiều lần vì những công lao trong quân sự và kinh tế, làm tới chức Thượng thư, Tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần ông bị giáng phạt, thậm chí bị kết án trảm giam hậu, bị cách tuột làm lính thú... Năm 71 tuổi, ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Công Trứ chiếm một vị trí khá đặc biệt: sáng tác của ông để lại tuy không nhiều nhưng chứa đựng những vấn đề quan trọng, lí thú và phức tạp, là nguồn gốc của nhiều đánh giá, tranh luận trong nghiên cứu và phê bình văn học. Tác phẩm của ông chủ yếu thuộc thể loại hát nói và thơ Nôm, thể hiện một cuộc sống thanh bần, thích tự do, phóng túng, một tính cách ngang tàng, ngạo nghễ, một quan niệm xuất xử và hành lạc tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất trong con người Nguyễn Công Trứ - một nhà Nho tài tử điển hình.
Tập sách Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ chọn lọc giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của ông và những công trình nghiên cứu về ông với hy vọng sẽ giúp giáo viên và học sinh có cái nhìn đầy đủ hơn về một nhà thơ có nhiều đóng góp cho lịch sử văn học Việt Nam. Phần lớn những bài vở, tài liệu trong sách này được rút ra từ cuốn Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức biên soạn và xuất bản nhân dịp kỉ niệm 230 năm ngày sinh và 150 năm ngày mất của ông (tháng 12 năm 2008).
Xin trân trọng giới thiệu!