Như thế, thơ Du Tử Lê đã trải dài theo bước đời tị nạn, cuộc sống tạm dung và cuộc đời định cư nơi xứ người. Thơ ông đã vào đại học Mỹ, và gần đây nhất, một sinh viên ở Việt Nam trình một luận án tiến sĩ về thơ Du Tử Lê, cho thấy thơ ông không dừng lại, đã vấn bước vào thế hệ trẻ trung, và được đón nhận không những về mặt thưởng thức, còn đi vào kinh viện trường ốc. Dòng thơ hải ngoại của ông đã được rất nhiều thi văn nhân viết bàn, tôi xin miễn lặp lại.
Hoa và hương thơ đó, do ông không ngừng làm mới cách diễn đạt từ ngữ cùng ý nghĩa trong thơ ông, mà cụ thể nhất, cách/slash trong câu thơ với dụng ý có thể hoán chuyển từ ngữ, hay cả câu, làm cho ý tưởng câu ấy phong phú đa dạng.
Cách gạch ngăn này đã trở thành một “công thức,” một sáng tạo đầu tiên của ông, do ông, từ ông; nghĩa là “dấu ấn” của Du Tử Lê về dạng thức này, mà đã có rất nhiều thi nhân áp dụng theo; cũng như gây nên một hiện tượng được nhiều bài viết luận bàn đặc biệt về “style” này của Du Tử Lê. Ðã thế, nhiều năm gần đây, ông còn vươn bàn tay thi ca của ông vào lãnh vực hội họa, chuyển tinh hoa ngôn ngữ thơ hóa hiện thành những ý tưởng có màu sắc, có hình thể chuyên chở ẩn dụ của tư tưởng thơ mộng. Ông đã nhìn ra mùa tận thế của thi ca chăng?
Thú vị nhất, ông còn dùng ngôn ngữ Thiền, ngôn ngữ của Ðạo giáo, của Phật giáo để làm thơ diễn tả về tình yêu hài hòa với tâm thức siêu việt. Phạm trù này không dễ dàng chút nào. Bao nhiêu bài thơ thiền đã bị vứt vào sọt rác, hoặc bài thơ gọi là thiền đọc lên giết chết thiền nghĩa ngay tức khắc. Vậy mà ông nhả ngọc phun châu như thở vô thở ra, tự tại, nhẹ nhàng, vô ngại. Thi phẩm “Thơ Thiền Tính” toàn tập (tròm trèm 200 trang) với ngôn ngữ vẫn Du Tử Lê, vẫn diễn ý tình tứ như “đời thường,” dù kề vai sát cánh bên chữ nghĩa tinh túy của đạo Phật, trang nghiêm một cách nghệ sĩ và thơ mộng một cách thiền đạo.
(Theo nhà thơ Lê Giang Trần)