Từ ấy gồm 71 bài thơ tập hợp trong 3 phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài), ghi lại một thời kỳ lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam, thông qua chặng đường hoạt động 10 năm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
1. Máu lửa
Gồm trong đó 27 bài thơ được sáng tác trong khoảng 2 năm (từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1939). Trong thời gian này, Mặt trận Dân chủ Đông Dương đang phát triển mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, đồng thời đây cũng là những năm tháng mà trên thế giới, phong trào chống phát xít, bảo vệ dân chủ và hòa bình thế giới diễn ra sôi nổi. Với riêng tác giả Tố Hữu, giai đoạn này cũng là lúc bước vào tuổi thanh niên, được gặp gỡ lý tưởng cộng sản và trở thành một người chiến sĩ hăng hái, một người lãnh đạo phong trào thanh niên dân chủ ở Huế. Phần Máu lửa cho thấy nội dung chủ đạo là tiếng lòng đồng cảm với những thân phận bị đọa đày, hắt hủi của những người lao động nghèo khổ ở thành thị. Đó là em bé mồ côi (bài Hai đứa trẻ), chị vú em phải bỏ con ở quê nhà đói lạnh để ôm con của chủ (bài Vú em), ông lão đầy tớ, cô gái giang hồ trên dòng Hương Giang (bài Trên dòng Hương Giang) v.v. Niềm cảm thông, xót xa, đồng cảm với những thân phận nghèo hèn trong xã hội thực dân nửa phong kiến luôn đi đôi với tiếng nói khơi gợi trong họ ý thức phản kháng, đem đến cho họ niềm tin vào một cuộc đổi đời. Bên cạnh đó, những tình cảm trắc ẩn và niềm cảm thông đó đã những đã tiếp sức cho nhà thơ trên bước đường đến với cách mạng.
Không chỉ có tình cảm với người lao động trong nước, lý tưởng cộng sản quốc tế phản ánh trong phần Máu lửa thông qua cả những tiếng nói chống chiến tranh phát xít, có ý nghĩa ở tầm nhân loại.
Với riêng nhà thơ, Máu lửa biểu hiện tiếng reo ca náo nức của một tâm hồn trẻ khát khao lẽ sống đã gặp lý tưởng cách mạng, mà bài thơ Từ ấy là một điển hình.
2. Xiềng xích
Gồm 30 bài sáng tác trong thời gian tác giả bị giam tại nhà tù đế quốc từ tháng 4 năm 1939 đến tháng ba năm 1942. Phần này như một bản quyết tâm thư của người chiến sĩ trẻ tuổi tự nhủ với lòng mình không khuất phục trước súng đạn và sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù, không nản chí trước mọi khó khăn trở ngại. Đó là những cuộc tuyệt thực trong nhà lao, những cuộc chiến đấu gay go với bản thân để vượt qua những cám dỗ thấp hèn (bài Con cá chột nưa, Tranh đấu); là những lời trăng trối của bạn tù gửi lại khi ra pháp trường (bài Trăng trối); là xúc cảm xao động trước tiếng vọng của cuộc đời bên ngoài qua song cửa nhà tù (bài Một tiếng rao đêm, Nhớ người, Nhớ đồng); là ý chí hướng về những tấm gương hy sinh của đồng bào và chiến sĩ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (bài Bà má Hậu Giang); là tiếng nói đấu tranh góp phần với phong trào đấu tranh bên ngoài và những tiếng thơ kêu gọi tâm huyết (bài Dậy mà đi, Dậy lên thanh niên) v.v.
3. Giải phóng
Giải phóng gồm 14 bài, sáng tác trong những năm từ 1942 đến 1946. Đây là những năm tháng khi nhà thơ vượt ngục và sống trong không khí sục sôi cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Thơ Tố Hữu trong giai đoạn này là tiếng thét căm thù đối với sự áp bức của hai đế quốc Pháp-Nhật (bài Tiếng hát trên đê, Đói! Đói! Đói!); là sự dự cảm tin lành chiến thắng (bài Xuân đến); là niềm say sưa ca niềm vui bất tuyệt của độc lập, tự do (bài Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt) v.v.