...Thơ Ngô Thị Hạnh chân thật, không kiểu cách, làm dáng, cho nên với tôi nó gần gũi, và gần gũi cả với xa xưa. Gần ngàn năm trước, Chu Hy (1130-1200) viết trong Bài Tựa cho tập Kinh Thi khi có người hỏi ông: Thơ tại sao mà làm ra? (Thi hà vi nhi tác dã?), ông bảo đó chính do nỗi lòng, do... động tâm mà ra: "...đã có muốn thời phải có nghĩ, đã có nghĩ thời phải có nói, đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ" (Tản Đà dịch).
Đọc thơ người xưa, thấy tựa bài thơ đã tuồn tuột hết nỗi lòng: Đêm đông chí ở Hàm Đan nhớ nhà ; Đáp lòng tiễn biệt của ông cậu thứ mười một trong bữa tiệc... Các bạn cũ quê nhà ngẫu nhiên gặp nhau trong quán khách... ; Ngày mồng 9 tháng 9 nhớ các anh em ở... Thơ nó huỵch toẹt vậy, không cầu kỳ bí hiểm đánh đố. Nó trần trụi bày biện tuốt luốt vì chẳng có gì phải giấu giếm! Vậy thì cái gì đọng lại sau đó? Cái tình. Cái đó mới thốn tâm thiên cổ? Nó làm ta rung động sáu cách: nhẫn nhĩ tỷ thiệt thân ý, dù đã ngàn xưa...!
Đọc Thơ Tình Với Sài Gòn, thấy Ngô Thị Hạnh ghi ở cuối bài thơ những câu như: Cà phê vỉa hè Kí Con những ngày tháng Tư, Sáng công viên Tao Đàn; Hẻm 47, chiều; có khi là Cao ốc văn phòng quận 3 ngày không có gió; Sân thượng nhà 124 Trần Quang Diệu; Hẻm phường Cô Giang quận nhất... Tôi chắc Ngô Thị Hạnh không phải bắt chước người xưa chi đâu, chẳng qua là cái TÌNH thơ nó vậy! Ngưòi xưa ghi ở cái tựa thì nhà thơ trẻ hôm nay ghi ở cuối bài...! Thấy cái tình, cái ý, ngồn ngộn chứa chan như không thôi đi được! Ấy tại thế mà sinh ra có thơ" (Thử thi chi sở đĩ tác dã)!
Bèn có mấy lời về Thơ Tình Với Sài Gòn này vậy.
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 9 2013)