Mỹ thay đổi chính sách hay đưa ra “tiêu chuẩn kép”?

06:35:00 13/10/2014
Trong nhiều ngày qua, liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu liên tục mở rộng chiến dịch không kích tại Syria, bất chấp lời cảnh báo từ phía nước chủ nhà rằng, mặc dù họ đã được thông báo về các đợt oanh kích, nhưng điều đó không có nghĩa là Damascus đã chấp nhận. Iran cáo buộc Mỹ tìm cách lật đổ chính phủ hợp hiến Bashar al-Assad dưới cái cớ chiến đấu chống lại các chiến binh IS. Theo giới phân tích, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng thay thế cuộc khủng hoảng ở Iraq bằng cuộc khủng hoảng ở Syria.

Ngày 28/9 vừa qua, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nhấn mạnh, mặc dù nước này đã được thông báo về các đợt oanh kích của Mỹ, nhưng điều này không có nghĩa là Damascus đã chấp nhận. Trước đó, Damascus từng tuyên bố sẵn sàng hợp tác, phối hợp với tất cả các bên trong nỗ lực tiêu diệt IS, đồng thời nhấn mạnh các nước phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria theo các nguyên tắc, quy định của Syria; mọi cuộc không kích không phối hợp với Chính phủ Syria sẽ được coi là gây chiến.

Tuy nhiên, Washington tuyên bố vẫn sẽ thực hiện kế hoạch của mình mà "không cần đến sự đồng ý hay cho phép của Chính phủ Syria". Giải thích mà họ đưa ra là "chiến đấu chống kẻ thù chung IS không thể làm cho Chính phủ Syria trở thành đồng minh của họ".

Có nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang sử dụng chiêu bài "tấn công khủng bố" để can thiệp vào nội bộ Syria. Theo nhận định của giới phân tích, "huấn luyện và vũ trang cho lực lượng nổi dậy mà Washington xác định là "các phần tử nổi dậy chính thống ôn hòa" tại Syria là trục chính trong cuộc chiến chống các tay súng IS của ông Obama và cả hai Viện của Mỹ đều đã dễ dàng thông qua việc này.

Ông Andrew Tabler thuộc Viện Nghiên cứu Washington về chính sách Cận Đông cho biết: "Tất cả những gì đang diễn ra đều cho thấy ông Obama là người muốn thúc đẩy một chính sách ủng hộ phe đối lập tại Syria mạnh mẽ hơn". Còn theo cựu nghị sĩ Mỹ Jane Harman, Tổng thống Obama đang mong muốn phe đối lập tại Syria sẽ có khả năng bảo vệ những vùng đất mà IS đã đánh chiếm một khi Mỹ và các đồng minh trong liên minh của mình đánh đuổi được chúng. Bên cạnh đó, nhân việc không kích Syria, Mỹ "tiện thể" cung cấp, trợ giúp cho lực lượng mà họ cho là ôn hòa ở nước này, đồng thời gián tiếp đánh vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad thông qua sự lớn mạnh của phe đối lập.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Syria khẳng định hành động quân sự chống IS và Mặt trận Al-Nusra tại Syria có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng như các nhóm cực đoan khác cần đi kèm với việc cắt đứt nguồn cung cấp tài chính, vũ khí và sự huấn luyện cho các lực lượng này.

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Raqqa.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc Mỹ cung cấp thêm vũ khí và đào tạo cho các chiến binh của lực lượng đối lập tại Syria có thể thay đổi được thế cân bằng trên chiến trường và tạo lợi thế cho phe đối lập hay không. Thêm vào đó, các nhà phân tích nhận định rằng, việc trang bị vũ khí, tài trợ cho cái gọi là lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria là một việc làm viển vông và chẳng dẫn đến đâu cả. IS phát triển lực lượng chủ yếu nhờ vào sự thất bại thảm hại của phe nổi dậy ôn hòa và những thất bại đó vẫn đang xảy ra. Làm thế nào mà một lực lượng hỗn tạp như vậy có thể đối trọng với IS?

Mặt khác, điều có thể xảy ra là việc hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở Syria sẽ dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn ở nước này, nhen nhóm lại cuộc nội chiến vừa mới lắng dịu, tất nhiên, điều này chỉ có thể làm lợi cho IS. Bên cạnh đó, cái mác "phe đối lập ôn hòa" của Mỹ đã bị lộ tẩy khi ngày 12/9, lực lượng "các phần tử nổi dậy ôn hòa", dưới sự trung gian của Mặt trận Al-Nusra, đã ký thỏa thuận không gây hấn với IS. Theo đó, các phe nổi dậy ở Syria nhất trí sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn này cho đến khi lật đổ được chính phủ của Tổng thống Al-Assad.

Cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu đã có tới 50 nước tham dự và đang ngày một mạnh hơn, nhưng xem ra, ngày chiến thắng còn ở rất xa. Tính tới thời điểm hiện tại, việc duy nhất mà liên minh này làm được là cùng Mỹ thực hiện các đợt không kích vào các mục tiêu IS tại Iraq và Syria, phần nào cũng gây trở ngại cho các tay súng IS, nhưng, CNN dẫn lời một chiến binh IS cho biết, "họ (Mỹ và đồng minh) không thể ngăn cản được IS củng cố Nhà nước Hồi giáo trải khắp Iraq và Syria".

Chiến binh này còn cho biết, IS đã có sự đề phòng với các cuộc không kích của liên quân. Mặc dù "họ đã tấn công vào các mỏ dầu và thiết bị di động của chúng tôi, nhưng chúng tôi thu được nhiều thứ khác ngoài dầu. Nguồn ngân quỹ của chúng tôi không bao giờ ngừng lại vì hết nhiên liệu". Ngoài ra, không ai có đủ khả năng tiêu diệt IS chỉ đơn thuần bằng không kích và bắn tên lửa. Điều này đòi hỏi phải được thực hiện chiến dịch quy mô toàn diện trên bộ, tận dụng lợi thế lực lượng quân sự hùng mạnh đa quốc gia.

Thêm vào đó, Mỹ thực sự đã bỏ qua điểm mấu chốt rằng, cho tới nay, chỉ có chính quyền Damascus mới có tiềm năng quân sự tốt nhất ở Syria đương đầu với IS. Mỹ có thể làm tiêu hao IS bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, thậm chí vô hiệu hóa hoạt động của IS trong một thời gian. Nhưng để tiêu diệt hoàn toàn IS thì yếu tố quan trọng nằm ở việc huy động lực lượng trên bộ sẵn có cùng với Chính phủ Syria để đẩy lùi các chiến binh thánh chiến.

Ngoài ra, việc hợp tác với Chính phủ Syria trong cuộc chiến trên thực địa, Mỹ còn có cơ hội để khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria và tìm ra một số giải pháp cho cuộc nội chiến ở nước này. Những hành động nông cạn của Nhà Trắng chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột với IS ở Iraq và Syria

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1