Cuối cùng thì Aomame và Tengo có gặp được nhau không? Tim người đọc vừa căng ra vừa thắt lại vì câu hỏi đó. Rốt cuộc, tình yêu của hai người dành cho nhau có đủ sức thắng nổi những lực ác đang bủa vây hai người và từng giây từng phút đe dọa hủy diệt họ?
1Q84 không chỉ là một câu chuyện vừa hấp dẫn vừa khơi gợi suy tư về bản chất của thế giới và mối quan hệ thiện, ác. Nó còn là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu. Nó khẳng định rằng, theo nghĩa nào đó, chiến thắng hay thất bại của tình yêu là chiến thắng hay thất bại của điều thiện.
Một số nhận định về tác phẩm
“Cuốn hút. 1Q84 là một tiểu thuyết lớn theo mọi nghĩa. Độc giả một khi đã sa chân vào dòng chảy thời gian của nó thì khó lòng bước lên bờ.”
- Sherryl Connelly, New York Daily News -
“Murakami giống một nhà ảo thuật đang diễn giải những gì mình thực hiện trong lúc biểu diễn song vẫn khiến người ta tin rằng ông sở hữu một sức mạnh siêu nhiên... Trong khi bất cứ ai cũng có thể kể một câu chuyện giống như một giấc mơ, ông là một trong số ít nghệ sĩ có thể khiến chúng ta thấy mình thực sự đang mơ, giống như với tiểu thuyết này.”
- The New York Times Book Review -
“1Q84 là một trong những cuốn sách nhanh chóng biến mất khỏi tay bạn, lôi bạn vào sự huyền bí của nó với một tốc độ và kỹ năng khiến bạn chẳng thể nhận ra rằng nhiều giờ đã trôi qua và hàng núi trang sách đã bị ngốn sạch ...”
- Rob Brunner, Entertainment Weekly -
“Murakami biết cách kể một câu chuyện mà không cần phải làm dáng. Ông hiểu làm thế nào để pha trộn hiện thực với huyền ảo với một tỉ lệ chính xác. Và ông có biệt tài viết về những điều thường nhật như làm bữa tối hay đi dạo sao cho, dù gần gũi và tầm thường đến mấy, chúng cũng không bao giờ tẻ nhạt...”
- Malcolm Jones, Newsweek -
Về tác giả
Haruki Murakami sinh ngày 12/1/1949 tại Tokyo nhưng phần lớn thời gian tuổi trẻ lại trải qua ở Kobe. Cha ông là con trai của một Phật sĩ, mẹ là con gái của một thương gia, cả hai người đều là giáo viên dạy văn học Nhật Bản. Murakami từng học về kịch tại đại học Waseda, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp, ông mở một quán nhạc Jazz có tên là Peter cat và bắt đầu viết tiểu thuyết. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và tựa đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy (theo bài hát của Beatles) và Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời (câu đầu là tựa đề bài hát của Nat King Cole). Murakami thực sự trở thành một thần tượng của giới trẻ Nhật Bản khi cuốn Rừng Nauy xuất hiện. Sau đó, ông cùng vợ rời khỏi nước Nhật trong 7 năm, đi du lịch và giảng dạy ở một số trường đại học của Châu Âu và Mỹ, Biên niên ký chim vặn dây cót đã ra đời trong thời gian này.