Ngày nay, mỗi khi ra đường liên xã ở nông thôn hay phố nhỏ ở đô thị, vào các chợ nông thôn hay thành phố, vào các tòa nhà nhỏ hay lớn, chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy những nhãn hiệu hàng hóa của Nhật Bản. Radio, Ô tô, TV, xe máy, thang máy, máy vi tính, máy đào, máy điện thoại, quạt điện, xe đạp, mĩ phẩm…đã hiện diện trong đời sống xã hội chúng ta từ hàng chục năm nay. Đặc biệt, vốn ODA của Nhật Bản đã đóng vai trò xúc tiến thị trường đến nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Thị trường ở đây bao gồm mở đường cho tư bản tiền tệ để tiền đẻ ra tiền thông qua lãi cho vay, nhưng quan trọng hơn là thông qua ODA để người Nhật Bản bán các dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho các dự án xây dựng cầu, đường, cảng biển. Kế đến, người Nhật bán các thiết bị công trình, thiết bị khai thác công trình, các phần mềm quản đến hệ thống duy tu bảo dưỡng... Họ đã kiếm lợi nhuận mang về chính quốc theo một chu trình khép kín hoàn hảo.
Nhờ đâu mà người Nhật Bản đã tạo dựng được đẳng cấp gia như vậy? Vì đẳng cấp quốc gia không thể có trong ngày một ngày hai mà nó được hình thành trên nền tảng tinh thần dân tộc, công cuộc khai trí và các chính sách phát triển vĩ mô đúng quy luật và sáng tạo trong mỗi bước đi. Làm được điều lớn lao này, người Nhật Bản đã có vương triều Minh Trị biết cách tân trong chính sách vĩ mô của họ. Chính phủ Nhật đã biết nghe trí thức, biết khai thác sức mạnh của người dân để cùng nhau xây dựng một nước Nhật cường thịnh và văn minh. Một trong những nhà khai sáng của nước Nhật ngài Fukuzawa Yukichi, vừa là tác giả vừa là dịch giả của nhiều đầu sách, góp phần kiến tạo nền tảng tri thức cho nước Nhật. Một phần tư tưởng của Ngài Fukuzawa Yukichi được thể hiện qua cuốn Khuyến học mà quý độc giả đang cầm trong tay. Khuyến học được viết từ năm 1872-1876, là một trong 14 cuốn sách hướng tới đại chúng phục vụ mục tiêu canh tân đất nước Nhật Bản.
Khuyến Học là cuốn sách gối đầu giường của người dân Nhật Bản không chỉ trong giai đoạn đầu canh tân đất nước mà còn trong giai đoạn nước Nhật đã phát triển ở tầm cao. Ngay khi mới in lần đầu, cuốn sách đạt số lượng xuất bản kỷ với 3.4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản vào thời điểm đó khoảng ba mươi triệu người; cho đến khi nước Nhật đã phát triển, cuốn sách vẫn được tái bản rất nhiều lần, điều này chúng tỏ rằng giá trị của cuốn sách song hành cùng sự phát triển của đất nước Nhật.
Về tác giả
Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc "khai quốc công thần" của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là "Voltaire của Nhật Bản", không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vựơt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.
Năm 1900, ông được nhận giải thưởng tử Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Giải thưởng trị giá năm mươi nghìn yên. Ông tặng lại số tiền cho trường Keio.
Năm 1901, ông mất do xuất huyết não, thọ sáu mươi tám tuổi.