Ukraine với Nga: Tình yêu và hờn giận

10:47:00 15/03/2014

BizLIVE - Vụ "ly hôn" bên họng súng của Crimea dự kiến diễn ra ngày 16/3 này khiến tôi nhớ lại nhân vật Taras Bulba.

Người Cossack Ukraine hôn cô gái quàng quốc kỳ xanh vàng ở Maidan

Các bạn đọc văn học Nga chắc còn nhớ tiểu thuyết cùng tên của văn hào Nikolai Gogol (1809-1852) kể về một chiến binh Ukraine đã giết chết con trai mình vì yêu một cô gái Ba Lan và "phản bội" lại Ukraine.

Dù tiểu thuyết của Gogol bị phê phán là chống Ba Lan, bài Do Thái và đề cao tinh thần dân tộc Đại Nga, câu chuyện cũng phần nào gợi lại đôi điều mang tính thời sự.

Trong các sắc dân Đông Âu, người Ukraine gần gũi với người Nga hơn cả, gần như anh em một nhà, và phải chăng đó là lý do cơn giận của Putin với Kiev, như Taras Bulba trong tiểu thuyết, trở nên cay đắng và độc địa hơn bao giờ hết?

Vừa quyết định cho Ukraine khoản viện trợ 15 tỷ USD rồi nhanh chóng đưa quân đặc nhiệm cải trang vào chiếm Crimea, ta thấy cơn giận của ông Putin không bình thường mà có mang tính yêu-ghét quá mức.

Và sự lựa chọn hướng về phía Tây của Ukraine như tình yêu của chàng kỵ sĩ Andriy Bulba với công nương Ba Lan Natalia trong sách, có phải cũng tiềm ẩn bi kịch vì sự khác biệt trình độ và hoàn cảnh trái ngược?

Sau hơn 20 năm thay đổi dân chủ, pháp quyền và kinh tế và thị trường, Ba Lan nay thu nhập cao gấp nhiều lần Ukraine và đóng vai trò dẫn đầu nhóm quốc gia Nato mới ở Đông Âu, trong khi an ninh của Ukraine vẫn còn rất bấp bênh, kinh tế, xã hội còn đầy vấn đề.

Dù là một dân tộc Slavơ, khác với Nga và Ukraine, Ba Lan luôn nghiêng hẳn về phía Tây từ thời lập quốc vào thế kỷ 10.

Không chỉ cùng đạo Thiên Chúa giáo La Mã với Pháp, Ý, mà về kinh tế, Ba Lan là một phần của nhóm nước Hanseatic bên tuyến đường thương mại quốc tế từ Hamburg lên tới Rostock, Gdansk, Tallin và nối với bên kia biển Baltic là Thụy Điển.

Từ nhiều thế kỷ Ba Lan cũng giao lưu chặt chẽ với Áo - Hung, các xứ Moravia, Saxonia, Bavaria, nhận từng người Hà Lan, Do Thái nhập cư và phát triển một nền văn hóa quý tộc rạng rỡ trong nhiều thế kỷ.

Phần biên địa miền Đông của Ba Lan nay là Tây Ukraine vốn lạc hậu hơn và là vùng nông nghiệp quý tộc Ba Lan đem quân đánh chiếm, khai thác và tranh giành ảnh hưởng với Nga.

Ở vùng đất này, phải đến thế kỷ 18, các hetman - thủ lĩnh quân sự Ukraine - mới tạo dựng được lãnh địa của mình nhưng liên tục bị Ba Lan và Nga đem quân tấn công.

Các vị vương Ukraine thường phải ngả nghiêng giữa Moscow và Warsaw để tồn tại.

Quân Cossack Ukraine không chỉ đánh nhau với các binh đoàn Đại bàng trắng của Ba Lan mà còn giao chiến với quân Cossack của Nga.

Như câu chuyện của cha con nhà Bulba ngày xưa, giới trẻ Ukraine ngày nay hướng về phía Tây và muốn học theo Ba Lan - dù điều này không nhất thiết là họ ưa dân Ba Lan vì các hiềm khích lịch sử vẫn còn khá mạnh.

Những người già hơn, sùng đạo Chính Thống giáo, giống như các cụ ông cụ bà cầm cờ đỏ, đeo huy hiệu Lenin ngày nay, có xu hướng nhìn về phía Đông và tôn thờ truyền thống.

Chủ nghĩa dân tộc Ukraine ngày nay còn được nuôi dưỡng bởi một số người theo truyền thống của lực lượng UPA, tựa như Ostap, người con trai khác của Taras Bulba, vốn ưa hành động và ghét bỏ mọi thế lực bên ngoài.

Xin mở ngoặc nói về tổ chức UPA này một chút.

UPA tức Quân khởi nghĩa Ukraine (Ukrayins’ka Povstans’ka Armiya) từng ủng hộ phát-xít Đức với mục tiêu thoát khỏi Liên Xô và sau Thế chiến 2 tiếp tục bị Hồng quân Liên Xô cùng Quân đội Cộng hòa Nhân dân Ba Lan truy quét.

UPA cũng bị cáo buộc đã giết nhiều dân Ba Lan trong cuộc chiến du kích kéo dài ở núi Carpathian tới tận năm 1949 và chính quyền Ba Lan cũng vì cớ này đã gây ra một vụ "nạn kiều" rất lớn, đẩy hàng chục nghìn dân Ukraine ở vùng biên Đông Nam sang vùng phía Tây giáp Đức và cấm hoàn toàn tiếng Ukraine.

Vì thế, khi Moscow nói một số nhóm thanh niên Ukraine ở quảng trường Maidan ngày nay là UPA kiểu mới, chắc chắn người Ba Lan lắng nghe và cũng lo ngại dù chính sách chung của chính phủ Ba Lan là ủng hộ xu hướng thân phương Tây tại Kiev.

Sửa lại định mệnh

Như ai cũng biết, trong quá trình giằng xé Đông Tây, các thế lực nhỏ và yếu hơn luôn thua thiệt.

Dù được quân Tatar và một ông già Do Thái (Yankel) hết lòng giúp đỡ, Taras Bulba sau đó cũng bị vị hetman Ukraine phản bội.

Quân Ba Lan đã bao vây, giết chết ông trong một pháo đài đổ nát, và vương quốc Zaporozhian của người Ukraine sau cùng cũng bị quân Nga xóa sổ.

Khủng hoảng ngoại giao vì trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16/3 này làm thổi lên nghi kỵ, thậm chí thù hằn giữa Nga và Ukraine và nhắc đến vai trò của Ba Lan.

Nhưng lịch sử có phải là định mệnh cho cả một dân tộc như câu chuyện Gogol viết lại từ rất nhiều huyền thoại chiến binh Cossack người Ukraine vùng sông Dniestr?

Không ai thay đổi được lịch sử nhưng ai cũng có thể đổi cách nhìn về lịch sử.

Năm 2009, Bộ Văn hóa Nga chi 15 triệu đô để dựng lại bộ phim Taras Bulba sau một bộ trước đó của Mỹ năm 1962.

Các nét chống Ba Lan của phim là có thật nhưng phim vẫn có sự tham gia của nữ diễn viên Ba Lan, Magdalena Mielciarz.

Bộ phim mang tên ‘Taras Bulba - người chinh phục’ sau đó vẫn được trình chiếu ở Ba Lan dù một phần báo chí phê phán nó.

Lý do là sau nhiều năm dân chủ và đa nguyên về tư tưởng, xã hội Ba Lan đã thoát khỏi đầu óc kỳ thị truyền thống và dư luận có đủ tính bao dung để xem một bộ phim ca ngợi người chống lại cha ông họ.

Vì thế, một tương lai hòa bình cho Ukraine và cả Nga có lẽ phụ thuộc nhiều vào sự dịch chuyển các lằn ranh tâm lý, tư duy hơn là biên giới địa lý.

Nếu cùng chia sẻ các giá trị đang được đề cao ở châu Âu hiện nay như bao dung, đa văn hóa, tha thứ nhưng không quên quá khứ, thì tôi nghĩ người dân Crimea có thuộc về Nga hay Ukraine cũng không phải là quá quan trọng.

Đấy cũng là những giá trị không riêng gì của châu Âu, Nga, Ba Lan hay Ukraine mà của chung nhân loại chừng nào chúng ta còn cùng chia sẻ số phận của Trái đất này.

Vấn đề là, như lời bà Angela Merkel, nữ thủ tướng trưởng thành ở Đông Đức kể lại một cuộc điện đàm với ông Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Nga ‘như đang sống trên một địa cầu khác’.

Theo BBC


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1