Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Gò Công, Tiền Giang, chứng kiến bao nỗi gian nan, cực nhọc của “người cùng quê” nên tôi thương lắm!
Vì đó, còn là hình ảnh của má tôi và những người phụ nữ quanh năm lam lũ, bình dị, giàu đức hy sinh và nhân hậu. “Người ta ăn còn, mình ăn hết” – đó là triết là sống giản dị mà từ nhỏ chị em chúng tôi đã được nghe, được thấy qua cách sống của cha mẹ mình. Lúc ở Sài Gòn, nhà đông con, không dư dả gì lắm, vậy mà ba má tôi vẫn cố gắng cưu mang được nhiều người! Bữa cơm đạm bạc của gia đình tôi không mấy khi thiếu “khách ở quê ra”.
Tôi không hiểu sao, chỉ sống ở quê chưa được chục năm, vì chín tuổi đã theo gia đình lên Sài Gòn, vậy mà trong ký ức tuổi thơ về quãng thời gian đó lại gây ấn tượng sâu đậm trong tôi đến tận bây giờ!
Bà ngoại tôi, vốn là một thợ may khéo có tiếng trong vùng, dù may tay thôi, nhưng những chiếc áo cưới cho chú rể, cô dâu qua bàn tay tỉ mẩn của bà mới lộng lẫy làm sao! Bà còn là người “mát tay” trong việc “phối cỗ”. Trong các bữa tiệc cưới, bà được mời để cắt đặt mọi việc, từ việc chọn thực đơn đến “hợp đồng tác chiến”. Lót tót theo bà phụ việc nên tôi cũng học “lỏm” được tí chút. Công việc này không có thù lao, nhưng sau lễ cưới, được cô dâu, chú rể mang quà bánh đến để tạ ơn, làm bọn trẻ con chúng tôi rất thích!
Háo hức nhất là những ngày nhà có giỗ bà, má tôi cùng các mợ, các dì chuẩn bị cả tuần lễ trước đó. Không khí thật rộn ràng: nào xay bột rọc lá chuối, gói bánh; làm nem chả, cơm rượu, xôi vò; tát đìa, bắt cá…
Bà con ở xa về trước mấy ngày, đem cả con cháu về cho họ hàng biết mặt. Chúng tôi còn nhỏ, không giúp được việc gì nhiều, chỉ làm tay “sai vặt”. Anh chị em họ rủ nhau đi hái bần, hái ổi, đi “vòng” cá kèo bằng cái cần trúc và chiếc lông đuôi ngựa (thắt thòng lọng), thật vui!
Tôi còn nhớ, những buổi cúng đình, trống đánh “thình thình”, dân làng quần dài, áo rộng rủ nhau đi từng tốp trên đường làng, trên bờ ruộng, nước trên đồng trắng xóa in bóng họ. Má tôi cùng các dì làm bánh, hấp xôi, luộc gà, nấu chè, không khí thật rộn rã! Nấu xong, họ xếp vào mâm quả, gióng gánh kẽo kịt mang đến đám cúng đình, lũ trẻ con chúng tôi chân sáo chạy lẽo đẽo theo sau!
Vùng đất quê nghèo ngày ấy mỗi năm chỉ có một vụ lúa, nhưng bù lại những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng rất ngon và phong phú: cua, còng, tôm, tép, ốc, ếch; thêm gà vườn, vịt đồng, heo cỏ… qua bàn tay khéo léo của những đầu bếp “chân quê” bỗng trở thành những “món ngon vật lạ”, thậm chí có một số món ăn đã vinh dự theo chân bà hoàng Từ Dũ tiến vua và đã có mặt trong quốc yến cung đình triều Nguyễn!
Tôi viết quyển sách này với mong muốn chia sẻ các món ăn truyền thống quê hương đến với mọi người yêu ẩm thực Việt Nam. Cảm ơn quê hương Tiền Giang đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và tạo cho tôi niềm cảm hứng để thực hiện quyển sách này.
Xin cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp trong ngoài nước và các học trò thân yêu luôn động viên, chia sẻ, đồng cảm cùng tôi trong hành trình quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Dù sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ, thỉnh thoảng có đi Đông, đi Tây nhưng tôi xác định mình vẫn là “người nhà quê – thứ thiệt”!
Bùi Thị Sương